Phân tích của báo Nikkei sử dụng nguồn dữ liệu từ Văn phòng nội các Nhật Bản cho biết, GDP của Tokyo năm 2008 chiếm 19,6% GDP cả nước nhưng đến năm 2015, GDP của thành phố này chỉ chiếm 19,1%. Theo biểu của báo Nikkei, quy mô kinh tế của Tokyo so với cả nước liên tục tăng từ 2001 và đạt đỉnh vào năm 2008 nhưng sau đó lại liên tục giảm, nhất là thời điểm sau khủng hoảng tài chính năm 2009.
Biểu của báo Nikkei về quy mô kinh tế của Tokyo so với cả nước.
Nếu xét về tốc độ tăng trưởng thực chất, từ năm 2009 - 2015, Tokyo chỉ tăng trưởng 7,6%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng trung bình cả nước là 7,7%. Theo bảng đánh giá xếp hạng các địa phương, Tokyo đứng thứ 21/47 về tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2009 - 2015. Trong khi đó, thu nhập tính theo đầu người giai đoạn này, Tokyo chỉ tăng 8% và đứng thứ 42/47 tỉnh thành của Nhật Bản.
Trong top 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, hai tỉnh là Miyagi và Iwate tăng trưởng nhanh nhờ phục hồi sau động đất sóng thần. 3 tỉnh còn lại là Mie, Gunma và Aichi phát triển nhờ có các ngành công nghiệp sản xuất.
Vậy nền kinh tế thủ đô giảm tốc, sức ảnh hưởng sẽ là gì? Báo Nikkei cho rằng, vị thế sức hấp dẫn và sức cạnh tranh của Tokyo trên trường quốc tế có thể bị giảm sút. Hiện Tokyo đang ở vị trí thứ 3 trên thế giới về sức cạnh tranh và nếu cứ đà này vị trí thứ 3 có thể bị lung lay.
Báo Nikkei cũng dẫn nguồn của Viện nghiên cứu chiến lược đô thị Mori Memorial đánh giá sức mạnh của 44 thành phố lớn trên thế giới với 70 tiêu trí, trong 6 lĩnh vực thì Tokyo đứng ở vị trí thứ 3 liên tiếp trong 3 năm liền sau London và New York.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!