Ảnh minh họa.
Ngày 2/12, Nhật Bản đã thông qua đề xuất sửa đổi 6 dự luật để tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với tiền điện tử, qua đó ngăn chặn các hành vi sử dụng tiền điện tử để rửa tiền của các loại tội phạm.
6 dự luật sửa đổi bao gồm luật đóng băng tài sản khủng bố quốc tế, luật ngoại hối, luật trừng phạt tài trợ khủng bố, luật trừng phạt tội phạm có tổ chức và luật đặc biệt về ma túy. Dự luật sửa đổi đã bổ sung các quy định ngăn chặn hoạt động phạm tội liên quan đến tiền điện tử như yêu cầu các giao dịch tiền điện tử phải có nghĩa vụ chia sẻ cho cơ quan quản lý thông tin khách hàng như tên hay địa chỉ người nhận tiền.
Thông qua các dự luật sửa đổi này là động thái của Nhật Bản nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp chống rửa tiền theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế. Dự kiến các quy định của dự luật này sẽ có hiệu lực từ mùa thu năm 2023, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý hành chính và phải khắc phục sai sót, nếu không khắc phục sẽ bị xử lý hình sự.
Giao dịch tiền điện tử đã tăng nhanh chóng trong những năm gần đây tại Nhật Bản. Dự luật sửa đổi được thông qua chính là cơ sở Nhật Bản để đối phó với các tội phạm liên quan đến loại tiền mới này.
Theo thống kê của Hiệp hội giao dịch tiền điện tử Nhật Bản, tổng giá trị giao dịch tiền điện tử ở nước này năm 2014 chỉ là 2,6 tỷ Yen thì đến năm 2020, con số này đã tăng nhanh chóng lên khoảng 117.969 tỷ Yen vào năm 2020, khoảng 843 tỷ USD. Do tính ẩn danh cao nên giao dịch tiền điện tử rất khó để theo dõi và điều tra khi cần thiết, dễ để các tội phạm lợi dụng rửa tiền.
Để ngăn chặn các hành vi rửa tiền đối với tiền điện tử, ngoài các dự luật và quy định mới, các tổ chức tài chính quốc tế cũng khuyến nghị, Nhật Bản nên thiết lập một mạng lưới để giám sát chặt chẽ và hiệu quả hơn đối với hoạt động giao dịch loại tiền mới này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!