Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ôtô của Honda ở chi nhánh Yokkaichi, tỉnh Mie, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng lên 19.810 tỷ Yen (khoảng 143 tỷ USD) trong quý III/2022, mức cao kỷ lục trong các quý III hàng năm và đầu tư vào tài sản cố định tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này được đưa ra sau khi tình trạng tắc nghẽn nguồn cung do đại dịch COVID-19 gây ra đã dịu xuống và các nhà xuất khẩu hưởng lợi từ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường nước ngoài.
Việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan tới đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ. Các doanh nghiệp Nhật Bản bao gồm cả các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ - đã tăng cường đầu tư với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2018 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Văn phòng Nội các Nhật Bản sẽ sử dụng dữ liệu về đầu tư tài sản cố định mới nhất để điều chỉnh Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2022, sau khi dữ liệu sơ bộ cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới bất ngờ suy giảm 1,2% trong quý III. Con số sửa đổi sẽ được công bố vào ngày 8/12 tới.
Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda, cho biết: "Đồng Yen yếu hơn là một điểm cộng đối với doanh thu của các doanh nghiệp, mặc dù tác động của nó đối với từng lĩnh vực được cảm nhận khác nhau. Việc lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp gia tăng phần lớn là do sự phục hồi của nền kinh tế từ đại dịch COVID-19".
Ông Kodama cho biết con số GDP tổng thể có thể sẽ được điều chỉnh tăng, nhưng ông đưa ra lưu ý thận trọng về triển vọng tăng trưởng.
Giá dầu thô, nguyên liệu thô và thực phẩm tăng mạnh đã tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Nhật Bản, vốn nghèo tài nguyên và phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Sự mất giá nhanh của đồng Yen làm tăng thêm tác động tiêu cực này.
Dữ liệu chính phủ cho thấy các ngành nhạy cảm với biến động giá nhập khẩu như dầu, thép, hóa chất và thực phẩm đã chứng kiến lợi nhuận giảm trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!