Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg)
Báo Asahi cho biết, sau khi lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng lên 0,23%, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã quyết định sẽ mua lại những trái phiếu này với số lượng không hạn chế. Đây là mức lãi suất tăng cao nhất kể từ năm 2016 và quyết định này của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là nhằm ngăn chặn nguy cơ lãi suất dài hạn trong nước tiếp tục tăng quá cao, có thể vượt mức giới hạn ngầm mà ngân hàng này đặt ra là 0,25%.
Kế hoạch mua trái phiếu Chính phủ cho thấy Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách nới lỏng tiền tệ và đi ngược với xu hướng của các ngân hàng Trung ương khác.
Theo báo Nikkei, lần gần đây nhất năm 2018, biện pháp thu mua trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản đã mang lại hiệu quả khi đưa lãi suất dài hạn khi đó giảm từ 0,11% xuống còn 0,095 %. Do đó, khi nguy cơ lạm phát toàn cầu và lãi suất dài hạn của Mỹ có thể gây áp lực tăng lãi suất dài hạn trong nước, Nhật Bản tiếp tục muốn thực hiện chính sách này.
Báo này cũng trích phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - Kuroda Haruhiko, cho biết lãi suất không thể tiếp tục tăng khi mục tiêu lạm phát 2% chưa thể đạt được.
Báo Sankei nhận định, xu hướng hạ lãi suất dài hạn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trái ngược với châu Âu và Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% vào tháng 3. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay.
Sự trái ngược ngày sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất, phù hợp với mục đích duy trì đồng Yen yếu, thúc đẩy thực hiện mục tiêu lạm phát 2%. Tuy nhiên, đồng Yen yếu cũng mang lại ảnh hưởng tiêu cực, tăng gánh nặng cho các hộ gia đình và các công ty nhập khẩu.
Với các chính sách nới lỏng tiền tệ, lạm phát của Nhật Bản có thể đạt được mức 1% trong năm 2022. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để đạt được lạm phát 2% như mục tiêu đề ra, nước này cần có chính sách tiền tệ mang tính bền vững hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!