"Nhảy việc" đầu năm: Nên hay không?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 17/02/2024 07:49 GMT+7

VTV.vn - Gần 90% công nhân, lao động đã trở lại làm việc sau Tết. Tuy nhiên, không ít người hối hả rải hồ sơ xin việc mới.

Tại nhiều nơi trên cả nước, công nhân và người lao động đã quay trở lại với guồng công việc bình thường. Tuy nhiên, có không ít người đã tính đến nhảy việc đầu năm.

Nhìn lại năm ngoái, cũng khoảng vừa ra Tết Nguyên đán, theo thống kê trong báo cáo của Vieclam24h.vn - website việc làm phổ biến hàng đầu Việt Nam, khoảng 75% người lao động có có dự định nhảy việc trong 6 tháng đầu năm 2023.

Năm nay, nhu cầu luân chuyển việc làm chưa rõ nhưng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tại Hà Nội, khoảng 80% nhà máy tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất... đã hoạt động trở lại mà không có tình trạng thiếu hụt lao động đầu năm.

Tại Công ty Điện tử Meiko, từ sáng đã có hơn 3.300 lao động vào ca tại 3 nhà máy. Đại diện doanh nghiệp cho biết, dù khó khăn nhưng vẫn giữ mức thưởng Tết bằng 1 tháng lương cho công nhân, trước Tết trả 80% và khi đi làm trả nốt 20% để giữ nhân lực. Hầu hết công nhân đi làm những ngày đầu năm mới đều phấn khởi sau kỳ nghỉ Tết.

Nhảy việc đầu năm: Nên hay không? - Ảnh 1.

Còn tại công ty URC, trong những ngày đầu sau kỳ nghỉ, 100% công nhân đi làm đầy đủ. Thu nhập ổn định, đảm bảo lương thưởng Tết và cam kết việc làm năm mới là yếu tố quan trọng để ổn định nguồn lao động tại các nhà máy.

Nhảy việc đầu năm: Nên hay không? - Ảnh 2.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, các nhà máy đăng ký sản xuất trong ngày 16/2 đều có trên 90% công nhân đi làm. Đến thứ Hai tuần tới - 19/2, tất cả doanh nghiệp sẽ trở lại hoạt động bình thường với đầy đủ công nhân vào ca.

Lương và những đãi ngộ là cách để doanh nghiệp giữ chân người lao động, Năm nay, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tổ chức 6 chuyến xe đón hơn 200 công nhân, người lao động ở 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An quay trở lại Hà Nội làm việc. Việc làm này đã giúp hàng trăm người lao động di chuyển thuận tiện, dễ dàng.

Nói về nhu cầu lao động, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, dự báo vào năm 2024, nhu cầu nhân lực ở địa phương này cần từ 300.000 - 320.000 vị trí việc làm. Trong đó, nhu cầu nhân lực ngay trong quý I cần khoảng 77.500 - 86.000 vị trí.

Cũng ngay trong giai đoạn sản xuất sau Tết, 8.000 doanh nghiệp tại Bình Dương có nhu cầu tuyển dụng khoảng 60.000 lao động.

Hơn 10.000 việc làm ở Nghệ An chờ lao động trong những ngày đầu năm mới.

Thị trường lao động sẽ phục hồi trở lại. Đây là dự báo của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội khi nhu cầu thị trường thế giới tăng và nhu cầu trong nước đang phục hồi.

Ở trong nước, đầu tư công và đầu tư tư nhân sẽ phục hồi, cải cách tiền lương trong năm 2024 tạo sức mua lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế. Đối với lĩnh vực xuất khẩu dự báo sẽ tăng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, sản xuất gỗ, chế biến thực phẩm - đồ uống, sản xuất - sửa chữa - lắp đặt móc máy, thiết bị công nghiệp - điện - điện tử sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng.

Thị trường lao động phục hồi mở ra những cơ hội mới cho người lao động. Thay đổi công việc để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của bản thân hay gia đình là việc tất yếu. Tuy nhiên, người lao động cũng cần cân nhắc để đảm bảo thu nhập và năng lực của mỗi người.

Lao động trở lại làm việc sau Tết chiếm tỷ lệ cao Lao động trở lại làm việc sau Tết chiếm tỷ lệ cao

VTV.vn - Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều nơi 100% người lao động và doanh nghiệp đều đã hoạt động với không khí khẩn trương, nghiêm túc.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước