Chính phủ Vương quốc Anh ước tính sẽ có khoảng 200 triệu tờ khai báo hải quan được thực hiện mỗi năm.
Viện nghiên cứu Chính phủ Anh (IfG) ước tính mỗi tờ khai trên sẽ có chi phí từ 20 - 45 Bảng nên các thương gia và doanh nghiệp có thể sẽ chi ra thêm từ 4 tỷ Bảng (5,28 tỷ USD) đến 9 tỷ Bảng tổng cộng mỗi năm. Trước tình hình đó, IfG cho rằng Chính phủ Anh cần làm việc với các doanh nghiệp và đưa ra hướng dẫn cụ thể về những thay đổi, hiểu rõ các yêu cầu mới để giúp họ có thời gian thích ứng, thích nghi với những thay đổi này.
Theo IfG, London phải đảm bảo tất cả các đơn vị có liên quan như ban quản lý vận hành các cảng, công ty vận chuyển và giới chức địa phương đều được chuẩn bị sẵn sàng. Chính phủ nước Anh cũng cần làm việc với các đối tác EU để đảm bảo những vấn đề phát sinh tại các cảng của EU không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng hàng hóa.
Ngày 11/9, Hạ viện Vương quốc Anh tiến hành bỏ phiếu thông qua "Dự luật Hủy bỏ" rút khỏi châu Âu. Dự luật này là trọng tâm trong kế hoạch của chính phủ nhằm đưa London rời khỏi EU vào năm 2019, tạo cơ chế cho việc chấm dứt thẩm quyền của luật EU đối với nước Anh sau Brexit. Dự luật sẽ chính thức chấm dứt tư cách thành viên của nước Anh trong EU, đồng thời đưa tất cả khoảng 12.000 đạo luật và quy định hiện hành của EU ra khỏi các bộ luật của nước Anh.
Trước đó, ngày 9/9, hàng nghìn người dân đã xuống đường tuần hành khắp khu vực trung tâm thủ đô London nhằm kêu gọi chính phủ "xem xét lại và từ bỏ Brexit". Đoàn người tràn vào quảng trường Trafalgar và tập trung trước Văn phòng Thủ tướng Theresa May trước khi tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!