Nhiều doanh nghiệp phản đối đề xuất áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 29/03/2024 17:00 GMT+7

VTV.vn - 9 doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép trong nước đã đồng loạt kiến nghị phản đối đề xuất áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng.

Mới đây, 2 doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng (HRC) tại Việt Nam: Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gửi hồ sơ đến Cục Phòng vệ thương mại đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nguyên nhân là do sản lượng thép nhập khẩu thép tăng đột biến cũng như giá thép HRC từ Trung Quốc giảm mạnh. Tuy vậy, ngay sau đó, 9 doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép trong nước đã đồng loạt kiến nghị phản đối đề xuất này.

Như mỗi năm tại Công ty Tôn Đông Á, doanh nghiệp sản xuất hơn 780.000 tấn ống thép thành phẩm, nguyên liệu đầu vào để sản xuất 100% là từ thép cán nóng. Tuy nhiên, do nguồn cung thép cán nóng trong nước không đủ cung cấp, vì thế doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn thép cán nóng từ nước ngoài.

"Nguồn thép cán nóng nhập khẩu từ nước ngoài là nguyên liệu chính cho các nhà sản xuất như chúng tôi. Hiện nay nguồn sản xuất thép cán nóng trong nước đáp ứng rất thấp, chỉ khoảng 30-40%. Như vậy việc cần phải nhập khẩu là việc tất yếu", ông Hồ Song Ngọc - Tổng giám đốc Công ty Tôn Đông Á cho biết.

Trong bản kiến nghị trình bày lập luận phản biện trước khả năng điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu, các doanh nghiệp đã dẫn số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ thép cán nóng của nước ta vào khoảng 10 đến hơn 13 triệu tấn/năm, hiện ở Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất được thép cán nóng, nhưng sản lượng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, tương đương khoảng 3,4 triệu tấn.

Do đó các doanh nghiệp tôn mạ trong nước cho rằng, hiện không có thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng trong nước.

Ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Hoa Sen cho biết: "Đối với mặt hàng thép cán nóng cung không đủ cầu dẫn đến Tập đoàn Hòa Phát và Formosa luôn luôn bán giá cao hơn giá thép cán nóng nhập khẩu từ 10-20USD/tấn, thậm chí có những thời điểm lên đến 40-50 USD/tấn và cũng không đủ hàng để bán. Thứ hai là sản lượng sản xuất và sản lượng bán hàng của Tập đoàn Hòa Phát và của Formosa tăng trưởng liên tục trong 5 năm gần nhất thì từ các cái điều trên tôi cho rằng không có thiệt hại ở đây".

"Có rất nhiều khách hàng của chúng tôi là những nhà sản xuất thủ công mỹ nghệ, nội thất mua ống thép để sản xuất hàng thành phẩm và xuất khẩu đi. Nếu ống thép của chúng tôi bị tăng giá thành thì đầu vào của họ cũng tăng lên dẫn đến mất năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất của Việt Nam", ông Huỳnh Nghĩa Thiện - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất thép Vina One thông tin thêm.

Hiện 9 doanh nghiệp thép trong nước đã gửi kiến nghị lên các cơ quan chức năng, và việc có khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng nhập khẩu hay không vẫn phải do cơ quan quản lý quyết định dựa trên những dữ liệu cụ thể và đánh giá khách quan để đưa ra kết luận.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước