Người dân gom mua Euro ở chợ đen
"Người dân đang gom mua Euro ở chợ đen" là tiêu đề trên báo Zing. Theo các đại lý thu đổi ngoại tệ ở Hà Nội, khoảng một tháng gần đây, giao dịch mua ngoại tệ chính của người dân là Euro để đầu cơ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của báo Tuổi trẻ ở TP Hồ Chí Minh thì lại có tình trạng giá Euro rớt mạnh nhưng không có để mua vì người giữ Euro lỗ nên không bán ra, dẫn đến tiệm không có nguồn để bán lại cho khách.
Vậy, còn với các doanh nghiệp mà sử dụng các đồng ngoại tệ như Euro, Yen hay USD để thanh toán thì việc các đồng tiền mất giá so với đồng USD thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến lợi nhuận và chi phí của họ?
Doanh nghiệp Việt trước tác động của đồng ngoại tệ mất giá
Gia vị, thực phẩm, đồ gia dụng và nhiều sản phẩm của Nhật Bản thường được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Việc đồng Yen giảm giá đang khiến nhiều mặt hàng tại các siêu thị bán đồ Nhật giảm từ 15-20% giá bán.
Chị Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Bán lẻ BRG, cho biết: "Chúng tôi thường ký hợp đồng hàng năm với nhà cung cấp tại Nhật nhưng lấy hàng dần dần hàng tháng. Điều này tạo sự cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo nguồn cung về Việt Nam tăng trưởng 20-30%".
Với doanh nghiệp xuất khẩu, lao động sang Nhật Bản thiệt thòi thấy rõ. Đồng lương nhận được từ tiền Yen nếu đổi sang USD hay tiền VND để gửi về quê nhà thì đã mất tới 16% giá trị so với hồi đầu năm.
Cũng là xuất khẩu, 30% lượng hàng của Tổng Công ty May 10 xuất sang châu Âu, mỗi năm giá trị thu về tương đương khoảng 60 triệu Euro. Tuy nhiên, đồng Euro giảm giá cũng không ảnh hưởng đến doanh nghiệp này.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết: "Chúng tôi đến 99,99% hợp động là thanh toán bằng USD, do đó, việc đồng Euro giảm giá gần như không ảnh hưởng, thậm chí còn có lợi trong việc nhập khẩu nguyên liệu và máy móc sản xuất may mặc".
Ngân hàng thế giới đánh giá về tính ổn định của tiền đồng
Ngoài dòng tiền vào sản xuất, còn là dòng tiền đầu tư, ví dụ như vào thị trường chứng khoán. Theo Wall Street Journal, chỉ số của các đồng tiền châu Á hiện đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm. Chỉ số MSCI của thị trường châu Á ngoài Nhật đã giảm khoảng 20%. Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư ngoại rút 71 tỷ USD khỏi các thị trường chứng khoán các nước châu Á mới nổi bên ngoài Trung Quốc, gấp đôi dòng tiền rút ra trong năm 2021.
Việt Nam mới đang là thị trường cận biên, tức là còn rủi ro hơn cả thị trường mới nổi. Tuy nhiên, đồng Việt Nam hiện chỉ mất giá khoảng 2,5% so với USD. Điều này có ý nghĩa như thế nào với các nhà đầu tư quốc tế?
Chiều 19/7, phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn với ông Axel van Trotsenburg, Tổng Giám đốc Điều hành của Ngân hàng thế giới World Bank về vấn đề này.
PV: Đồng USD còn mạnh sẽ tác động tới nội tệ các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Ông nhận định tình hình này như thế nào đối với kinh tế Việt Nam và đâu sẽ là giải pháp ưu tiên?
Ông Axel van Trotsenburg, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), nói: "Điều chúng tôi thấy ở Việt Nam đó là lạm phát đang ở mức thấp hơn nhiều so với châu Âu hay Mỹ. Đây là điểm tích cực để giữ mặt bằng giá chung, giảm thiểu sự ảnh hưởng của biến động tỷ giá, đặc biệt sau khi FED tăng lãi suất, đồng USD mạnh lên. Như vậy, đồng nội tệ của các bạn được giữ ổn định trong bối cảnh đồng USD mạnh hơn khiến dòng tiền đang chảy ra ngoài khỏi các nền kinh tế mới nổi. Dòng vốn chảy khỏi thị trường chứng khoán và thị trường nợ ở quy mô lớn.
Đây sẽ là thách thức đối với các quốc gia có độ mở lớn, tham gia sâu vào chuỗi thương mại toàn cầu. Và cũng phải kể đến áp lực lên tỷ giá hối đoái. Các dòng vốn đầu tư mới sẽ cân đối lại. Nếu đồng nội tệ yếu, sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng, dẫn đến giảm chi tiêu trong nước. Việc điều hành của Chính phủ Việt Nam về chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá thời gian vừa qua vẫn đang phát huy hiệu quả, giúp giảm thiểu các tác động lên đồng nội tệ, giá cả hàng hoá ổn định, không thiết lập mặt bằng giá mới. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam thời gian tới".
Dòng chảy của tài chính luôn có những biến động, có lúc lên cao sẽ có những lúc xuống sâu. Nếu nói mỗi nền kinh tế là những con thuyền trên dòng chảy này, đây chính là lúc cần vững tay chèo để không bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực. Hành động của mỗi doanh nghiệp, ngân hàng mỗi người dân sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự cân bằng của kinh tế. Hơn bao giờ hết, những lúc như thế này, cơ quan quản lý với vai trò là người lái thuyền sẽ cần những giải pháp, nỗ lực để có thể vững vàng băng qua biến động. Mỗi nền kinh tế có sức mạnh nội tại riêng, như Việt Nam có lượng dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay, việc ngân hàng nhà nước vận hành tỷ giá trung tâm, đồng thời đảm bảo cho các thanh khoản bằng ngoại tệ sẽ giúp cho sự ổn định của tiền đồng. Điều này giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không gặp các cú sốc về biến động tỷ giá. Cùng với sự ổn định của lãi suất đầu ra cũng góp phần cho việc đảm bảo mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 4% mà quốc hội đã đề ra.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 19/7 với khách mời là Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, sẽ trao đổi chi tiết về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!