Kinh tế "phập phồng" nhìn giá xăng lập đỉnh
Do ảnh hưởng của tình hình thế giới, giá xăng dầu tại Việt nam cũng bị tác động. Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất, giá xăng dầu trong nước đã chính thức phá đỉnh 8 năm. Cụ thể, giá RON95 đã vượt 26.000 đồng/lít.
Thông tin này đã ngay lập tức được chọn đăng lên trang nhất của nhiều tờ báo trong tuần. Như tờ Tiền Phong đặt câu hỏi: "Giảm thuế, phí để hãm đà tăng của giá xăng?", hay tờ Tuổi trẻ nhấn mạnh việc làm rõ vì sao thiếu xăng? Và cuối cùng báo Thanh Niên quan ngại về việc kinh tế đang phải nhìn giá xăng lập đỉnh.
Phản ánh thêm của báo Thanh Niên cho thấy, đây sẽ là một bất lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chưa kịp mừng khi sản xuất hồi phục và sức mua gia tăng nay lại "đứng ngồi không yên" với giá xăng tăng.
Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất, giá xăng dầu trong nước đã chính thức phá đỉnh 8 năm. Ảnh minh họa.
Giảm thuế, phí để "hãm" đà tăng?
Các tờ báo trong tuần tập trung nhắc đến nhiều giải pháp cho vấn đề này như cần chủ động giảm các loại thuế, phí để kìm hãm đà tăng của xăng. Theo các chuyên gia phân tích trên các tờ báo, tỷ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng dầu đang khoảng 40 - 43% là quá cao nên cần mạnh dạn giảm tỷ lệ này xuống.
Còn theo tờ Tiền phong, để ổn định giá ngoài yếu tố đầu vào, chính sách liên quan đến thuế phí, cần quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu, không để tình trạng cắt khúc thị trường, tư nhân bán lẻ thao túng, găm hàng, trục lợi.
Cơ quan quản lý thị trường, Bộ Công Thương và chính quyền các địa phương cần phải chỉ đạo sát, xử lý thật nghiêm mọi trường hợp vi phạm về quản lý, lưu thông cũng như bán lẻ xăng dầu.
Mặc dù vậy, tờ Đại biểu Nhân dân lại cho rằng khi dùng biện pháp thuế phí lại có rủi ro là nếu giá xăng dầu cao mãi, ngân sách có đủ lực để tiếp tục giảm thuế không? Về lâu dài, các doanh nghiệp phải nỗ lực tái cấu trúc, sắp xếp lại hoạt động sản xuất để có được chi phí thấp nhất.
"Cân não" để kiểm soát lạm phát
Giá xăng tăng cũng khiến đặt ra một bài toán khá "cân não" để kiểm soát lạm phát. Đây là quan ngại được chia sẻ trên báo Nông thôn ngày nay.
Sức ép lạm phát từ đầu năm đến nay là rất lớn do xăng dầu chiếm 3,52% trong chi phí sản xuất. Phần lớn các ngành đều sử dụng xăng dầu, công thêm nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm 50% trong sản xuất. Vì vậy, giá xăng dầu thế giới tăng thì nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, chi phí sản xuất tăng và giá thành sản phẩm cũng tăng.
Ngoài ra, ở một góc nhìn khác, theo Thời báo Ngân hàng, việc giá xăng liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng vừa được triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng
Ngay trong tuần, trước những diễn biến khó lường của giá mặt hàng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện về đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Ngay lập tức, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường báo cáo thủ tướng trước ngày 28/2.
Đã có kịch bản lo đủ xăng dầu
Ngoài điều chỉnh thuế, Bộ Công Thương sẽ tăng nhập khẩu xăng dầu. Ảnh minh họa.
Ngoài điều chỉnh thuế, Bộ Công Thương sẽ tăng nhập khẩu xăng dầu trong quý II, với tổng sản lượng 2,4 triệu m3. Theo báo Đầu tư như vậy đã có kịch bản lo đủ xăng dầu cho nửa đầu năm nay và không lo thiếu hụt nguồn cung.
Bộ đã tính toán từ tháng 3 trở đi, với các phương án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vận hành 50%, 85% hay 100% công suất, thậm chí không có nguồn từ Nghi Sơn thì Bộ cũng điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu nhưng phải giao trước cho các doanh nghiệp đầu mối, đồng thời đề nghị Nghi Sơn thông báo rõ, trên cơ sở đó điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu là đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Còn theo báo Người lao động bình luận, cần làm quen với việc giá xăng sáng lên, chiều xuống. Để điều hành giá xăng dầu tốt hơn cần cụ thể hóa nguyên tắc quản lý theo cơ chế thị trường có sự định hướng của nhà nước. Để trả mặt hàng này về với thị trường, xem xét xóa bỏ quỹ Bình ổn giá là đề xuất đáng lưu tâm.
Có thể thấy rằng rất nhiều giải pháp đang được các cơ quan quản lý cân nhắc, nghiên cứu tính đến để giúp bình ổn giá xăng dầu. Đây là một bài toán khó, nhất là khi những ngày gần đây tình hình trên thế giới đang có những diễn biến phức tạp Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine.
Thích ứng linh hoạt với "dịch tăng giá"
Trong lúc chờ đợi các chuyên gia phản biện, chờ các Bộ bàn và thực thi chính sách, một góc nhìn của báo Lao động, khá ấn tượng đó là "chúng ta hãy thay đổi chính ta" - đây là thích ứng linh hoạt với xăng như với dịch, tạm gọi là "dịch tăng giá".
Ví dụ như chuyển sang phương tiện công cộng để tiết kiệm chi tiêu hay như TP Hồ Chí Minh đã tổ chức dịch vụ cho thuê xe đạp hiện rất thích hợp trong thời buổi hiện nay. Đường sắt trên cao của Hà Nội đã hoạt động với giá vé phù hợp, an toàn, tiết kiệm. Các cơ quan nên thích ứng linh hoạt với việc chuyển sang làm việc online, họp trực tuyến.
Với góc nhìn tích cực, nếu nhiều người chuyển sang "thích ứng linh hoạt", bỏ bớt phương tiện cá nhân thì môi trường sẽ bớt ô nhiễm hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!