Chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Nội dung được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội quan tâm nhất là đấu giá đất.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà xác nhận, thời gian vừa qua, nổi lên không chỉ có "thổi" giá, mà còn là dìm giá bất động sản, có "quân xanh, quân đỏ" đấu giá đất, gây ra nhiều bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng, làm biến động thị trường bất động sản, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần điều chỉnh số tiền đặt cọc tham gia đấu giá đất, bởi mức quy định hiện nay chưa hợp lý.
"Quy định về tiền đặt cọc tham giá đấu giá là 20% là thấp, chưa có chế tài để hạn chế, ngăn chặn việc các doanh nghiệp tham gia trả giá cao để bỏ cọc", ông Nguyễn Hữu Thông, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, nêu ý kiến.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN)
"Thổi giá, đẩy giá lên để nâng giá trị trái phiếu, cổ phiếu hoặc đánh võng giá trị tài sản để lợi dụng vay ngân hàng, rồi làm sạch bảng tài chính của mình. Nếu như có dấu hiệu ở đây, mà như chúng ta nhận định là có dấu hiệu lũng đoạn, có âm mưu lừa dối, lừa đảo để tăng giá trị đất lên, sao chúng ta không xử lý hình sự được?", ông Tạ Văn Hạ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh.
Trước ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp cụ thể để hạn chế các bất cập trong việc đấu giá đất hiện nay.
"Thẩm định hồ sơ giá chỉ 15 ngày không được, cần phải đi trước bước đấu giá là thẩm định, chúng ta phải làm các bước rất căn cơ, thông qua ngân hàng, thông qua hồ sơ đất đai, thông qua lý lịch của các nhà đấu giá. Khi nâng lên 10 lần thì cam kết tiền đó ở đâu, nó đã phải có sẵn trong ấy", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định.
"Chúng ta phải siết lại vấn đề đấu giá đất để đảm bảo đấu giá chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như về năng lực của nhà đầu tư, chắc chắn phải xác định được năng lực của nhà đầu tư. Thứ hai, tiền đặt cọc phải nâng lên. Chúng ta đặt tiền đặt cọc thấp quá", Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc đánh giá.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng chỉ rõ đã đến lúc cần phải sửa Nghị định 44 và Thông tư 36, bởi giá đất xác định đã không còn chính xác và nhất quán. Nếu không sửa hai văn bản này thì các đoàn thanh, kiểm tra vẫn cho ra các kết luận khác nhau.
Kiến nghị sửa quy định đấu giá đất
Cuối năm 2021, khi thị trường bất động sản còn chưa hết sốc trước kết quả trúng đấu giá cao kỷ lục, tính ra mỗi m2 đất được trả giá khoảng 2,45 tỷ đồng tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh, thị trường lại chứng kiến 2 doanh nghiệp trúng đấu giá tại đây "bỏ cọc".
Tại một số tỉnh thành khác, đất đấu giá với lợi thế mặt bằng sạch, pháp lý rõ ràng, lại trở thành "món hàng" béo bở của giới đầu cơ đất. Những người này chỉ "săn" đất đấu giá rồi mua đi bán lại, không nhằm mục đích đưa đất vào sử dụng. Bởi vậy, bên cạnh những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ghi nhận từ thị trường cho thấy, nhiều kẽ hở trong đấu giá đang ngày càng lộ rõ.
Nhiều khu đất sau khi được đấu giá thành công vẫn chỉ là bãi cỏ mọc, bởi thực chất nhiều người chỉ coi đấu giá đất là một loại giao dịch, chứ không hề có ý định mua để ở. Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần xem lại mục đích thật sự của các cuộc đấu giá đất.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam từng đưa ra nhận định, tại một số địa phương, việc đấu giá đất diễn ra quá thường xuyên, ồ ạt, gây dư thừa nguồn cung. Sau đó, việc sử dụng đất như thế nào lại chưa được quản lý chặt chẽ.
Các lô đất được tổ chức đấu giá tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: NLĐ)
"Đất thành hàng hóa của người đi buôn. Điều này đã làm méo mó thị trường. Vì vậy, chúng ta phải nâng cao mục đích sử dụng đất, buộc người trúng đấu giá phải đặt cược, ký quỹ...", ông Ngô Hồng Tuấn, nhà đầu tư, nói.
"Lượng dự án và số lượng sản phẩm đấu giá, nguồn cung đang vượt nhu cầu. Nhiều dự án đấu giá đất ở các địa phương đấu xong bỏ đó, cả khu cỏ mọc xanh um", Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay.
Trước đó, báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến sự không thống nhất giữa các quy định của pháp luật đất đai và quản lý thuế về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo bà Hạnh, một đơn vị chuyên tổ chức đấu giá, đã có trường hợp doanh nghiệp trúng đấu giá đất, trong 90 ngày không nộp tiền. Địa phương ra văn bản hủy kết quả. Tuy nhiên sau đó doanh nghiệp thấy mảnh đất tăng giá, lại vin vào quy định khác quay lại nộp cả tiền gốc và lãi, dọa kiện văn bản hủy kết quả của địa phương.
"Nghị định 162 quy định về thời hạn nộp tiền, không nói đến vấn đề sau 90 ngày thì nộp phạt hay tịch thu, hay sẽ mất quyền lợi đó, mà chỉ nói nếu sau 90 ngày không thực hiện thì sẽ tính lãi phát sinh. Người dân dựa vào Nghị định 62 và chậm trễ nộp tiền. Người ta tìm cách bán, khi nào bán được, người ta mới thực hiện nghĩa vụ đó. Việc này khiến mảnh đất đó không thực hiện xây dựng hay đưa vào sử dụng được", bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt, cho biết.
Các cuộc đấu giá đất minh bạch mang lại nguồn thu ngân sách không nhỏ cho các địa phương, nhưng sự phát triển nóng thời gian qua đã cho thấy rõ nhiều kẽ hở.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đã đến lúc cần có tiêu chí đánh giá năng lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đấu giá đất. Những đối tượng đã có lịch sử "bỏ cọc" cần bị hạn chế quyền đấu giá, bổ sung chế tài xử phạt, đánh mạnh vào kinh tế và tài chính để hạn chế tình trạng bất thường trong đấu giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!