Nhiều lao động về quê chưa trở lại nhà máy

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 15/03/2022 20:21 GMT+7

VTV.vn - Trái ngược với nhiều dự đoán, nhiều lao động trở về quê trong đợt đỉnh dịch 2021 vẫn chưa trở lại nhà máy.

Khan hiếm lao động

Vì vậy, nhiều nhà máy chỉ hoạt động được khoảng 60 - 80% công suất. Việc tuyển dụng lao động mới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư mở rộng sản xuất.

So với thời điểm này năm 2021, nhà máy đã giảm gần một nửa lao động, chỉ còn 1.000 người đang làm việc. Đơn hàng nhiều, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm, công nhân phải nghỉ và cách ly nhiều đẩy doanh nghiệp đang khó khăn vào tình trạng càng khó khăn hơn. Nhà máy cũng không thể tăng ca vì phải đảm bảo sức khỏe cho công nhân.

Nhiều lao động về quê chưa trở lại nhà máy - Ảnh 1.

Nhiều công ty đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động mới. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc tuyển dụng. Do tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, người từ các tỉnh khác đến Bắc Ninh tìm việc làm ngày càng ít. Công nhân, nhân viên xin việc cũng ít hơn và khó có thể tuyển được người", ông Chen Tse Ming, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Johnson Health, cho biết.

Bộ phận tuyển dụng liên tục gọi điện cho các công nhân cũ đang ở tỉnh xa quay trở lại làm việc. Nhà máy lên kế hoạch từ nay đến cuối tháng 6 phải tuyển đủ công nhân bằng với thời gian trước khi dịch bệnh bùng phát, nhưng thực tế chưa biết có đạt được hay không.

Ai đến cũng được nhận, không tính thời gian thử việc mà ký hợp đồng chính thức ngay, tuyển cả độ tuổi trên 45… là những chính sách chưa từng có trong tuyển dụng công nhân ở các nhà máy trước đây. Mặc dù vậy, số lượng các nhà máy tuyển được trong những ngày qua vẫn khá ít.

"Khi người lao động đến công ty chúng tôi phỏng vấn thì chúng tôi hỗ trợ khoản đi lại, chi phí ăn uống, rất khó khăn. Đối với những vị trí kỹ thuật càng khó khăn hơn do đòi hỏi tay nghề cao, nhưng hiện COVID-19 đang ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi hy vọng sẽ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ cho các bạn nhân viên", bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH Công Nghệ Johnson Health, chia sẻ.

"Việc cạnh tranh về nguồn lực lao động tuyển mới không chỉ riêng Bắc Ninh, giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các địa phương này với địa phương kia, bởi hiện hoạt động khu công nghiệp trong vùng đang phát triển mạnh. Do vậy, đó cũng là vấn đề nhức nhối", ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, nói.

Với tình hình tuyển dụng lao động như hiện nay, nếu không có tác động mạnh từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, e rằng mục tiêu tăng công suất các nhà máy như trước dịch và tăng trưởng 10% vào cuối năm khó thành.

Lao động nông thôn chưa muốn trở lại nhà máy

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động có bảo hiểm chính thức đã sụt giảm 1 triệu người so với năm 2019. Bộ cũng đang đặt mục tiêu thu hút lại số lao động này từ khu vực phi chính thức vào khu vực chính thức trong tháng 6 năm nay.

Hơn 1 năm nay, anh Hiếu (Tuyên Quang) chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp công việc bán hàng cho mẹ. Thu nhập từ công việc này thấp và không ổn định bằng đi làm nhà máy, nhưng anh chưa quyết định quay lại với công việc cũ.

Sau 5 năm gắn bó với khu công nghiệp, từ ngày trở về quê làm ruộng và chăn nuôi, thu nhập của vợ chồng chị Dự (Tuyên Quang) giảm sút rõ rệt. Trước đây, mỗi tháng anh, chị dành dụm mang về được khoảng 8 triệu, nay ở nhà gần như chỉ đủ ăn mặc hàng ngày chứ không có tích lũy.

"Công việc hàng ngày luôn tay, luôn chân. Ở nhà vất vả hơn, toàn việc không tên. Mình cũng mong muốn đi làm tiếp", chị Nông Thị Dự, Tuyên Quang, nói.

Tại các xã của huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang hiện còn nhiều lao động vẫn ở nhà vì lo sợ dịch bệnh. Việc này cũng gây áp lực lên địa phương vì số lượng việc làm ở tỉnh không đủ. Nhiều xã đã vận động con em quay trở lại nhà máy.

"Tuyên truyền vận động các công nhân này vào công ty mới, cũng như các công nhân đã nghỉ trở lại công ty để làm, tăng thêm thu nhập cho gia đình, đảm bảo điều kiện kinh tế tốt hơn", ông Hà Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND xã Tứ Quận, Yên Sơn, Tuyên Quang, cho biết.

Với 30% lao động còn ở nhà sau khi nghỉ dịch, Tuyên Quang đang cố gắng thúc đẩy kết nối cung cầu để tạo việc làm cho lao động muốn ở lại và động viên những người có ý định quay lại các thành phố làm việc tiếp.

"Bây giờ chúng tôi đang muốn động viên số lao động có việc làm nhưng không thường xuyên, tức là có nhưng thu nhập không cao, hoặc làm nông nghiệp, làm việc tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, để mức thu nhập cao hơn", Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Tuyên Quang Nguyễn Đức Chính cho hay.

Nhu cầu việc làm của người lao động vẫn rất cao, nhưng cần có động lực thúc đẩy để họ vượt qua được tâm lý lo lắng khi quay trở lại làm việc. Có như vậy mục tiêu phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế mới đạt được.

Thúc đẩy lao động đi làm trở lại

Tại sao những lao động trở về quê không đi làm ngay khi nhà máy mở cửa trở lại? Họ sống bằng gì? Thực tế, những lao động trở về địa phương và vẫn ở lại đến thời điểm này hầu hết có kinh tế thuộc dạng trung bình khá trở lên, vẫn còn tiền tích lũy. Do đó, họ chỉ là đang chờ cho dịch bệnh lắng xuống, thị trường lao động ổn định hơn để đi làm tiếp, ít người muốn ở lại vì mức thu nhập ở địa phương không phù hợp với nhu cầu của họ.

Hơn 1 năm sau khi bỏ việc tại một nhà máy ở Bắc Giang trở về, Giáp (Tuyên Quang) chỉ ở nhà giúp mẹ việc đồng áng và vườn rừng. Nhiều người xui anh lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, nhưng anh không lĩnh vì vẫn muốn đi làm tiếp.

"Do dịch COVID-19 căng thẳng nên em chưa có nhu cầu đi làm lại. Bên nhân sự vẫn gọi xuống đi làm", anh Triệu Văn Giáp, Chân Sơn,Yên Sơn, Tuyên Quang, cho biết.

Không chỉ là nỗi lo dịch bệnh, mà hiện tại nhiều lao động còn một nỗi lo khác là tiền thuê nhà ở các thành phố và khu công nghiệp đã tăng nhiều so với năm trước. Nếu quay trở lại làm việc, không biết thu nhập của họ có đủ để trang trải các chi phí này không.

Như lời anh Giáp nói, nếu nhận được hỗ trợ trong thời gian tới anh sẽ quay lại chỗ làm cũ. Đây cũng là mong mỏi của nhiều lao động tại các khu công nghiệp.

Sắp tới đây, Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ đối với người lao động từ các tỉnh về làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nhiều lao động về quê chưa trở lại nhà máy - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

"Quốc hội và Chính phủ cho phép 6.600 tỷ, phương thức là hỗ trợ cho người lao động nhưng thông qua doanh nghiệp để kéo người lao động quay trở lại. Quan điểm là gói hỗ trợ này giúp kích hoạt mạnh hơn cho thị trường lao động phục hồi. Đối tượng đang làm việc trong doanh nghiệp và đối tượng mới bước chân vào thị trường lao động cũng được hỗ trợ, để vừa giúp cho người đang làm việc tại doanh nghiệp duy trì việc làm, giảm khó khăn... Với sự hỗ trợ đồng bộ, thị trường lao động chắc chắn sẽ phục hồi bền vững", ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, nhận định.

Kinh tế đất nước sẽ khó phục hồi nếu những nhà máy thiếu lao động, do vậy hy vọng những chính sách hỗ trợ sẽ sớm được triển khai để các dây chuyền sản xuất có đủ nhân lực vận hành. Nó không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho công nhân, doanh thu cho nhà máy, mà còn tạo thêm những động lực để nền sản xuất trong nước bắt kịp đà hồi phục.

Lao động Việt có nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài Lao động Việt có nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài

VTV.vn - Từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều chuyến bay đưa lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đã khôi phục trở lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước