Dịch COVID-19 đã thay đổi rất nhiều thói quen tiêu dùng của người dân trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Doanh nghiệp trong nước khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, những món hàng càng trở nên thiết yếu, hợp túi tiền và có lợi cho sức khỏe mới có thể đưa vào sự lựa chọn của người dùng. Sức mua giảm sút nên việc chung tay hưởng ứng phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt cần phát huy hơn bao giờ hết trong lúc này.
Ghi nhận tại một siêu thị, nhân viên bán hàng ra sức thuyết phục người tiêu dùng sử dụng hàng sản xuất trong nước, bởi tính năng giống nhau, chính sách ưu đãi tương đồng, đặc biệt là giá cả thấp hơn. Tuy nhiên, sau một hồi nghe tư vấn, khách hàng vẫn không thay đổi quan điểm của mình.
Nhiều người dùng vẫn chuộng hàng ngoại nhập.
Theo thói quen tiêu dùng, nhất là hàng điện tử, người dùng vẫn chuộng hàng nhập. Có khách hàng quyết mua cho bằng được, dẫu chỉ là chiếc quạt điện.
Tâm lý dùng hàng ngoại nhập không chỉ tồn tại cố hữu ở người tiêu dùng lớn tuổi, mà ngay ở những gia đình trẻ, điều đó cũng không ngoại lệ.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ máy móc, nâng cao mẫu mã và chất lượng hàng hóa chinh phục người dùng.
Chính vì người tiêu dùng có tâm lý như vậy, nên nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, đó cũng là lực đẩy giúp doanh nghiệp đầu tư công nghệ máy móc, nâng cao mẫu mã và chất lượng hàng hóa chinh phục người dùng.
Nhiều nhà máy của những thương hiệu quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, những viên gạch đặt nền móng khẳng định hàng Việt ngày càng chắc chắn hơn. Người tiêu dùng cũng dần bắt đầu có sự thay đổi thói quen, dẫu chưa thực sự rõ nét, nhưng cũng đã có sự dịch chuyển từ chiếc tivi đến máy giặt và tủ lạnh…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!