76% các nhà đầu tư và kinh doanh châu Âu tại Việt Nam kỳ vọng rằng sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý 3. Đây là kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Đặc biệt, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã lựa chọn Việt Nam không chỉ là điểm đến cho đầu tư nước ngoài, mà còn là nước sản xuất linh kiện cho chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Cũng theo nhiều trang báo quốc tế, ổn định chính trị, lao động đủ khả năng, môi trường đầu tư thuận lợi, sự nhất quán trong chính sách phục hồi kinh tế và nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại giúp Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Nikkei Asia có bài: "Tập đoàn chip khổng lồ Synopsys của Mỹ mở rộng hoạt động tại Việt Nam". Synopsys đang chuyển đầu tư và đào tạo kỹ sư sang Việt Nam để tái cân bằng hoạt động trong bối cảnh cuộc chạy đua công nghệ Trung - Mỹ đang diễn ra gay gắt.
Trang Digitimes Asia cũng cập nhật Synopsys thông báo sẽ đào tạo kỹ sư ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam và hỗ trợ khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) thành lập trung tâm thiết kế chip thông qua chương trình tài trợ phần mềm. Sự hợp tác này nhằm mục đích đào tạo các kỹ sư thiết kế vi mạch tiên tiến và tạo điều kiện phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn ở Việt Nam.
Trước đó, một loạt các trang báo đã đưa tin Samsung sản xuất bán dẫn ở Việt Nam từ năm 2023. Gã khổng lồ bán dẫn Hàn Quốc hiện đang thử nghiệm các sản phẩm lưới bóng và dự định sản xuất hàng loạt tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở tỉnh Thái Nguyên.
Bloomberg có bài bình luận về xu thế này: "Các quốc gia như Việt Nam và Indonesia đều đang cố gắng thể hiện mình là lựa chọn thay thế. Đối với việc sản xuất thiết bị điện tử, Việt Nam được cho là một lựa chọn khả thi".
"Đây là một tin rất tốt cho Việt Nam. Dù kết quả có thế nào thì tôi nghĩ rằng việc Việt Nam xuất hiện trong các phương án cân nhắc của các ông lớn công nghệ đã thực sự là một điều tuyệt vời. Và nên nhớ, nếu họ vào, thì xuất khẩu từ khối FDI sẽ được đẩy cao hơn nữa, không chỉ dừng lại ở con số ấn tượng hiện tại", ông Philipp Rosler, Nguyên Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, đánh giá.
"Việt Nam có một lợi thế rất lớn khác đó là có sự hiện diện của Intel và giờ đây là thông báo mới từ Samsung về việc sẽ tổ chức bộ máy sản xuất ngành này tại đây. Đó là điều mà Ấn Độ không có", ông Jimmy Goodrich, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA), nhận định.
Rõ ràng cuộc đua bán dẫn toàn cầu đang nóng lên và xu thế chuyển dịch chuỗi giá trị đang diễn ra ngày một nhanh hơn, khi Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách "zero COVID-19".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!