Với triển vọng FED khó nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay, theo Bloomberg nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á buộc phải đẩy lùi thời điểm giảm lãi suất, đồng thời sử dụng các biện pháp khác nhau để giữ ổn định tỷ giá. Thậm chí, Ngân hàng Trung ương Indonesia vừa chủ động tăng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ trước đà giảm so với đồng USD.
Ngân hàng Trung ương Indonesia đã có động thái gây bất ngờ khi tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản hôm 24/4 lên 6,25%, trong bối cảnh đồng Rupiah rơi xuống mức thấp nhất 4 năm so với đồng bạc xanh.
Đồng USD mạnh cũng đang khiến đồng Yen Nhật trượt xuống mức thấp nhất 34 năm. Hôm 29/4, đồng tiền này giảm sâu dưới ngưỡng 160 Yen đổi 1 USD. Song tỷ giá đã hồi phục mạnh về mức 154 Yen đổi 1 USD.
Thị trường cho rằng rất có thể Chính phủ Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối khi chi khoảng 5.000 tỷ Yen, tức 32 tỷ USD để hỗ trợ tỷ giá.
Tính từ đầu năm, một loạt đồng tiền châu Á khác chịu áp lực giảm giá mạnh từ 2 đến 10% giá trị với đồng USD.
Nhiều ngân hàng Trung ương ở châu Á đang sử dụng các biện pháp khác nhau để giữ ổn định tỷ giá. Ảnh: Oxford Economics
Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Tập đoàn tài chính RSM tại Mỹ nhận định: "Việc lãi suất tại Mỹ dự kiến sẽ ở mức cao trong thời gian dài hơn là một bất ngờ đối với thị trường tài chính toàn cầu, thể hiện qua việc đồng USD tăng giá so với hầu hết các loại tiền tệ khác. Điều này tạo ra những thách thức đáng kể cho các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở châu Á - nơi một số ngân hàng trung ương đang mong muốn cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng. Bên cạnh đó, công cụ dữ trữ ngoại hối cũng cần được sử dụng linh hoạt để hỗ trợ tỷ giá".
Theo các chuyên gia, giảm lãi suất sẽ giúp giảm áp lực lên nền kinh tế, giảm chi phí vay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất quá sớm, đặc biệt là trong bối cảnh FED duy trì lãi suất cao thì dòng vốn sẽ rút khỏi khu vực do nhà đầu tư tìm kiếm lãi suất cao hơn ở những nơi khác. Điều này có thể khiến nhiều đồng nội tệ tại khu vực suy yếu hơn nữa.
"Mỗi ngân hàng trung ương sẽ cần đưa ra các chính sách tiền tệ của riêng mình, có thể là can thiệp ngoại hối hoặc điều chỉnh lãi suất, tùy vào điều kiện của họ. Nhưng nếu những giải pháp đó không cân nhắc đến các quyết định của FED, nhất là tác động với dòng vốn chảy ra từ các tài sản định giá bằng đồng USD thì tăng trưởng và đầu tư ở các nước đang phát triển có thể bị ảnh hưởng đáng kể", Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Tập đoàn tài chính RSM tại Mỹ đánh giá.
Ngân hàng Morgan Stanley dự báo Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines sẽ hoãn giảm lãi suất năm nay, còn Ấn Độ và Malaysia giữ lãi suất ở mức hiện tại trong thời gian còn lại của năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!