Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters.
Ngân hàng trung ương một số quốc gia như Thái Lan, Philippines đã ngay lập tức chọn phương án giảm lãi suất, nhằm hỗ trợ nền kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực do dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, chưa chắc đây đã là biện pháp phù hợp.
Theo ông Stephen Schwartz, Trưởng bộ phận xếp hạng quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Fitch Ratings: "Nới lỏng chính sách tiền tệ không phải là công cụ hữu hiệu nhất đối với những cú sốc ngắn hạn hiện nay. Bởi vì việc cắt giảm lãi suất thường phải mất từ 1-2 quý mới bắt đầu phát huy tác dụng. Lúc đó có khi đợt dịch bệnh đã bỏ xa chúng ta lâu rồi. Chưa kể, giới hạn để hạ lãi suất cũng rất hạn chế, bởi vì nhiều nước tại châu Á đã nhiều lần giảm lãi suất trong suốt 18 tháng qua".
Có thể đây là lý do vì sao Thái Lan dự kiến phải tiếp tục tung ra gói kích thích kinh tế mới, trong tháng 4 tới. Theo chuyên gia, bên cạnh những chính sách tiền tệ, các nhà làm luật còn có thể sử dụng các công cụ khác phù hợp với tình hình kinh tế.
Cũng theo đại diện Fitch Ratings, các quốc gia còn lại tại Đông Nam Á dự kiến cũng nhanh chóng áp dụng các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Như Malaysia dự kiến sẽ công bố gói kích thích tăng trưởng vào đầu tháng sau.
Đại diện Fitch Ratings cũng đồng quan điểm với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF mới đây cho rằng, tăng trưởng khu vực trong quý I năm nay sẽ giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu dịch bênh được kiểm soát trong quý I thì Fitch dự đoán nền kinh tế khu vực sẽ bật tăng trở lại ngay trong quý II. Còn không, đà tăng trưởng năm 2020 sẽ phải mất nhiều thời gian hơn nữa để hồi phục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!