Nhiều vấn đề đặt ra trong lần sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu

VTV Digital-Thứ tư, ngày 15/02/2023 06:17 GMT+7

VTV.vn - Nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị định không nên quy định cứng mức chiết khấu tối thiểu xăng dầu mà để các doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau về mức chiết khấu.

Sáng 14/2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phối hợp cùng Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo Góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Điều đáng nói, Nghị định 95 mới được ban hành vào năm 2021. Như vậy, chỉ sau gần 2 năm, Nghị định này đã phải sửa đổi. 

Nói về lí do phải sửa đổi nghị định, chúng ta hãy cùng nhìn lại biểu đồ mô tả diễn biến giá dầu Brent thế giới từ năm 2015 đến nay. 

Nhiều vấn đề đặt ra trong lần sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu - Ảnh 1.

Biểu đồ diễn biến giá dầu Brent thế giới từ năm 2015 đến nay.

Nếu như lấy mốc từ năm 2020, là năm mà đại dịch COVID-19 bùng phát, trong suốt 5 năm trước đó, biên độ tăng giảm của giá dầu là không lớn, thị trường khá ổn định. Nhưng từ năm 2020, tình thế đã đảo ngược, mức dao động là rất lớn. Biến động về giá như vậy đặt ra thách thức trong hoạt động kinh doanh và quản lý nhà nước, đòi hỏi các quy định phải linh hoạt.

Trong Dự thảo lần này trình Chính phủ, Bộ Công Thương đưa ra 12 điểm đề xuất thay đổi về quản lý kinh doanh xăng dầu.

Đặc biệt, quy định mức chiết khấu tối thiểu tiếp tục là câu chuyện nhận được nhiều sự quan tâm nhất hiện nay. 

Các ý kiến khác nhau về quy định mức chiết khấu tối thiểu xăng dầu

Để vận hành một cây xăng, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ phải chi trả tiền lương nhân viên, thuê mặt bằng, khấu hao tài sản… Theo nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước, mức chi phí tối thiểu là khoảng 200 triệu đồng mỗi tháng, tùy vị trí, nghĩa là doanh nghiệp phải có doanh thu ít nhất bằng mức trên thì mới gọi là hòa vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua, khi thị trường xăng dầu khó khăn, có thời điểm, mức chiết khấu giảm về 50 đồng, thậm chí là 0 đồng/lít xăng. Chiết khấu bằng 0 tức là không có hoa hồng, giá nhập vào bằng giá bán ra, doanh nghiệp phải tự bù các chi phí.

Bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đoan Việt, cho biết: "Chiết khấu tối thiểu là vấn đề quan trọng. Khi chúng tôi có chiết khấu thì thời gian điều hành giá 7 ngày, 10 ngày, 15 ngày cũng là yếu tố xếp hàng thứ 2. Mức chiết khấu tối thiểu để doanh nghiệp bán lẻ hoạt động phải dao động 5 - 7%. Đó là mức tối thiểu".

Bộ Tài chính cũng đề xuất cần quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các đại lý bán lẻ, đảm bảo thị trường ổn định.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, nói: "Theo tôi nghĩ, nên quy định mức chiết khấu tối thiểu và xem cái đó là khoản chi phí nhất định để đảm bảo hoạt động của thị trường xăng dầu được ổn định vì doanh nghiệp là khâu rất quan trọng đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nên mình phải đảm bảo nó được thông suốt".

Nhiều vấn đề đặt ra trong lần sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu - Ảnh 2.

Tuy nhiên, theo các thương nhân đầu mối, khi đưa mức chiết khấu cố định vào cơ cấu giá cơ sở sẽ làm tăng giá xăng dầu. Bên cạnh đó, khi thị trường gặp vấn đề, không có sự chia sẻ giữa các khâu phân phối thì các khó khăn sẽ dồn hết đến các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Do vậy, điều quan trọng là sửa đổi công thức tính giá xăng dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Toàn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), chia sẻ: "Nếu chúng tôi nhập về còn cao hơn cả giá bán ở xây xăng thì chúng tôi lấy nguồn lực ở đâu để chiết khấu cho khâu bán lẻ? Khi giá bán được phản ánh đầy đủ tất cả các chi phí tạo nguồn, từ giá mua, chi phí bán lẻ, chi phí vận chuyển… thì mặc nhiên bán lẻ sẽ có chiết khấu".

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Nghị định không nên quy định cứng mức chiết khấu tối thiểu, mà để các doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau về mức chiết khấu.

PGS, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định: "Khi đại lý ký kết hợp đồng làm thương nhân cho một doanh nghiệp đầu mối thì nên có điều khoản quy định mức chiết khẩu tối thiểu. Nên có một sự ràng buộc để đỡ sự chèn ép, đặc biệt khi một đại lý chỉ được lấy từ một nguồn hàng".

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia điều kiện tiên quyết để thực hiện việc tự thỏa thuận giữa các doanh nghiệp là phải sửa đổi quy định: các cửa hàng bán lẻ phải được nhập từ nhiều nguồn khác nhau, thay vì chỉ từ một nguồn như hiện nay, để lựa chọn được nguồn có mức chiết khấu tốt nhất, thúc đẩy hơn nữa yếu tố thị trường trong điều hành xăng dầu.

Về phương thức điều hành giá xăng dầu, hiện nay cũng có hai luồng quan điểm. Đó là Nhà nước tiếp tục quy định giá xăng dầu như hiện nay, hai là để doanh nghiệp tự xác định và công bố giá bán lẻ của mình.

Trước hai phương án này, trong Dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục điều hành giá theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, cần sửa đổi công thức tính giá, bổ sung các chi phí thực tế để đảm bảo tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ phía các chuyên gia.

Đề xuất giữ nguyên phương thức điều hành xăng dầu

PGS,TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nói: "Với thị trường độc quyền, nhà nước không để cho thị trường tự quyết định, tức là doanh nghiệp và người tiêu dùng vì người ta lợi dụng vị thế độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường, nâng giá cao lên, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Thị trường xăng dầu hiện nay chưa phải là thị trường cạnh tranh hoàn hảo, nên buộc Nhà nước phải định giá".

Các chuyên gia cũng cho rằng, khi Nhà nước định giá thì cần định giá sát với thị trường, tránh tình trạng trong thời gian qua, các chi phí đầu vào tăng cao, nhưng lại chưa được phản ánh đủ trong giá cơ sở xăng dầu.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: "Trong chuỗi kinh doanh xăng dầu như vậy, việc tính toán định mức về chi phí, giá thành xăng dầu phải tính toán đủ. Một trong những giải pháp là giảm đầu mối kinh doanh, tăng tính linh hoạt cho các cửa hàng bán lẻ, chẳng hạn, cửa hàng bán lẻ được nhập từ nhiều nguồn".

Các phương án về chu kỳ điều hành xăng dầu

Nhiều vấn đề đặt ra trong lần sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu - Ảnh 3.

Về thời gian điều hành, công bố giá, Bộ Công thương đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là giữ nguyên kỳ điều hành như hiện nay, nghĩa là 10 ngày/lần. Phương án 2 là sửa đổi theo hướng rút ngắn chu kỳ điều hành xuống mức 7 ngày, điều chỉnh vào thứ 5 hàng tuần. Việc rút ngắn này sẽ giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận giá thế giới. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, phương án 7 ngày là không phù hợp với thời gian nhập khẩu xăng dầu của doanh nghiệp, hiện đang từ 10-15 ngày.

Trước những ý kiến góp ý cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, đại diện Bộ Công Thương cho biết, các phương án đưa ra mang tính tham khảo, lựa chọn, chưa phải là tối ưu tuyệt đối, đồng thời khẳng định, không chạy theo giải quyết vấn đề mang tính tình thế, mà sẽ hướng tới quản lý bền vững, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến xây dựng để thị trường xăng dầu ổn định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước