Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu "bị phân biệt đối xử", than lỗ cả ngàn tỷ

Thuỳ An-Thứ ba, ngày 14/02/2023 12:40 GMT+7

VTV.vn - Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề xuất được công nhận sự tồn tại, hưởng một mức chiết khấu cố định, được mua xăng dầu tư nhiều nguồn…

Sáng 14/2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức hội thảo "Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu". Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, đặc biệt là từ các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Lỗ cả ngàn tỷ đồng

Mở đầu bài phát biểu tại hội thảo, ông Hà Thanh Tùng - Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang (Hà Giang) nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Theo ông Tùng, doanh nghiệp bán lẻ có 950 thành viên với 9.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc - tương đương khoảng 53% cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Nếu đầu tư một cửa hàng 10 tỷ đồng, hệ thống doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ có tổng tài sản ước tính khoảng 90.000 tỷ đồng - gấp 1,5 lần tài sản của Petrolimex. Ngoài ra nếu tính trung bình mỗi cửa hàng có 3 nhân viên, tổng số việc làm do doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tạo ra khoảng 27.000 việc làm. Trung bình mỗi công nhân lương 10 triệu đồng, mỗi tháng doanh nghiệp bán lẻ chi khoảng 270 tỷ tiền lương.

"Tài sản, số việc làm, số tiền doanh nghiệp chi trả cho người lao động lớn hơn nhiều so với một số thương nhân xuất nhập khẩu", ông Tùng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu bị phân biệt đối xử, than lỗ cả ngàn tỷ - Ảnh 1.

Ông Hà Thanh Tùng - Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang (Hà Giang) cho biết

Liên quan đến quá trình hoạt động, ông Hà Thanh Tùng cho biết kinh doanh có lúc này lúc khác song nhưng doanh nghiệp bán lẻ đã lỗ cả năm nay.

"Cũng là thương nhân kinh doanh xăng dầu nhưng có thương nhân đầu mối sau khi được điều chỉnh thì quý IV/2022 đã có lãi đến cả ngàn tỷ. Trong khi thương nhân bán lẻ do không có gì hỗ trợ đã lỗ cả ngàn tỷ. Thậm chí đứng trước nguy cơ xin rút giấy phép do không thể tiếp tục kinh doanh bởi thua lỗ. 

Theo ông Tùng, do không có chiết khấu, nên thời gian qua, doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ nặng nề. Qua thống kê của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ, lúc cao điểm, cộng đồng doanh nghiệp lỗ đến 900 tỉ đồng/tháng. Tính từ tháng 3/2022 đến nay, ước số lỗ có thể lên đến 3.000 đến 4.000 tỉ đồng.

Nếu tình hình thua lỗ tiếp tục kéo dài, sức chịu đựng của chúng tôi có hạn, trường hợp 9.000 doanh nghiệp bán lẻ xin dừng hoạt động thì chuỗi cung ứng có thể bị đứt gãy, có thể tác động đến toàn bộ nền kinh tế", ông Tùng cho biết.

Bị phân biệt đối xử

Theo ông Hà Thanh Tùng, do xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên lời hay lỗ vẫn phải bán hàng nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt.

"Thời gian qua dù chịu mức chiết khấu bằng 0, thậm chí là chiết khấu âm nhưng doanh nghiệp bán lẻ vẫn phải duy trì kinh doanh. Doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng ở một nơi sau khi ký hợp đồng có thể bị chèn ép bởi nhà phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận bởi nếu không lấy hàng sẽ không thể lấy của nhà phân phối khác. Do đó doanh nghiệp bán lẻ bị kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu", ông Tùng phản ánh.

Trong khi đó, doanh nghiệp phân phối vừa nhập hàng để bán buôn, vừa có các cửa hàng bán lẻ để cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ. Qua đó được hưởng nhiều lợi tích như: Lợi nhuận định mức, chí phí kinh doanh định mức, chủ động được nguồn hàng, không bị xử phạt khi dừng bán hàng…

Trước vấn đề này, ông Hà Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo Nghị định công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Từ đó, giúp doanh nghiệp bán lẻ có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các thương nhân phân phối để đảm bảo sự công bằng.

Ông Tùng cũng kiến nghị đơn vị soạn thảo Nghị định ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có phân biệt đối xử.

"Chi phi kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ có thể từ 3-3,5% nhân với giá bán lẻ bán ra. Điều này tạo ra sự hài hoà lợi ích.  Ngoài ra, lợi nhuận định mức có thể từ 2-2,5%", ông Tùng kiến nghị.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu bị phân biệt đối xử, than lỗ cả ngàn tỷ - Ảnh 2.

Doanh nghiệp bán lẻ đề nghị một mức chiết khấu cố định trên giá bán

Cũng góp ý về vấn đề chiết khấu, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, tỉnh Trà Vinh cũng cho rằng chi phí lưu thông trong công thức tính giá cơ sở cần phải được chia rõ phần phí phí và lợi ích ở cả 3 khâu, gồm doanh nghiệp đầu mối - thương nhân phân phối - doanh nghiệp bán lẻ. Hiện nay chi phí lưu thông chung là 1.350 đồng/lít xăng, gồm có lợi nhuận định mức là 300 đồng và 1.050 đồng chi phí lưu thông/lít xăng. Ông Tây cho rằng, chỉ cần phân chia trong công thức giá cơ sở đã xây dựng ra thành 3 phần ở các khâu theo tỉ lệ phù hợp với sự đóng góp trong cả hệ thống.

"Vì do Nghị định không ghi rõ tỉ lệ nên doanh nghiệp đầu mối lại dùng để bù vào lỗ của chu kỳ trước", ông Tây nói và đề nghị phân chia rõ tỉ lệ ở các khâu về chi phí lưu thông định mức và riêng khâu bán lẻ là cộng thêm 5%/giá bán thời điểm - tương đương với 1.180 đồng/lít theo giá hiện nay.

Mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh Nghị định kinh doanh xăng dầu sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tác động gián tiếp đến doanh nghiệp đang sử dụng nguồn cung xăng dầu và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

"Chúng tôi cho rằng, về quan điểm trong việc soạn thảo dự thảo Nghị định lần này, cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch. VCCI tin rằng khi đáp ứng yêu cầu này thì sẽ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường. Nên ở góc độ nào đó, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi Nghị định 95 và 83 lần này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh, muốn đầu tư, muốn phục vụ.

Về phía đơn vị soạn thảo là Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước nhấn mạnh trong điều hành giá xăng dầu, cơ quan điều hành luôn phải đảm bảo mục tiêu làm sao đáp ứng được nguồn cung xăng dầu, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu phải góp phần kiểm soát CPI. "Câu chuyện quản lý luôn đặt ra bài toán cạnh tranh và thị trường", ông Đông nói.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu bị phân biệt đối xử, than lỗ cả ngàn tỷ - Ảnh 3.

Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Và hiện nay, tất cả những vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Nghị định 83 và 95 đều là những vấn đề đã đưa ra thảo luận từ quá trình sửa đổi Nghị định 83 trước đây. Ví dụ như vấn đề Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thời gian điều hành, dự trữ xăng dầu, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý…

Tuy nhiên, những biến động của thị trường xăng dầu những năm qua mang tính chất dị biết, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, biến động giá xăng dầu ở biên độ cao và chưa từng xảy ra trước đó…

"Do đó ta phải tư duy về các công cụ quản lý Nhà nước nên can thiệp đến đâu? Tư duy về quan hệ cung cầu, về quy luật cạnh tranh ra sao. Đó là dịp để ta nhìn lại để làm sao có được thị trường xăng dầu đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, kiểm soát CPI – một trong những cân đối chính của kinh tế. Mục tiêu nữa là thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển", Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho hay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước