Ba tháng qua, vận tải khách tạm dừng, Công ty TNHH Vận tải hành khách Quốc Hoàng chủ yếu vận chuyển hàng hóa từ Đồng Tháp đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Khi nhận được thông tin vận tải khách được thí điểm từ ngày 13/10, doanh nghiệp đã chuẩn bị các phương án, đặc biệt là huy động nhân lực đáp ứng các điều kiện phòng, chống dịch để phục vụ trở lại. Tuy nhiên, tỷ lệ nhân viên của công ty được tiêm vaccine còn khá khiêm tốn nên chỉ đăng ký hoạt động 2 chuyến/ngày.
"Mong tỉnh hỗ trợ cho công ty, những tài xế và phục vụ xe được tiêm đủ 2 mũi vaccine", anh Trần Hoài Nam, Công ty TNHH Vận tải hành khách Quốc Hoàng, Đồng Tháp, bày tỏ.
Thưa thớt nhà xe chạy lại trong thời gian thí điểm tại Bến xe Miền Đông, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NLĐ)
Tại tỉnh Gia Lai, trong ngày thứ 2 thực hiện thí điểm vận tải khách tuyến cố định, không có doanh nghiệp nào hoạt động. Theo lý giải của các doanh nghiệp, nguyên nhân là do hành khách muốn di chuyển đến địa phương có nguy cơ dịch bệnh tương đương hoặc thấp hơn thì phải tiêm đủ liều vaccine và mỗi lần đi phải có xét nghiệm âm tính còn thời hạn trong vòng 72 giờ. Trong khi đó, tại địa phương rất ít người dân đã được tiêm vaccine. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp không hoạt động trong thời gian này.
"Tại Gia Lai, mức độ tiêm vaccine rất thấp, hiện mới đạt 15 - 17%. Thứ hai là theo quy định của Gia Lai, người từ các địa phương khác về phải cách ly 7 ngày, đó cũng là trở ngại", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Gia Lai Nguyễn Hồng Hải cho biết.
Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, tính đến tối 15/10, 27 địa phương đã cho phép thí điểm vận tải khách hoạt động trở lại. Tuy nhiên, những quy định về tiêm đủ mũi vaccine cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách có thể sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của việc mở lại hoạt động vận tải khách liên tỉnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!