Cách đây 1 năm, lần đầu tiên đã diễn ra Hội nghị giữa người đứng đầu Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Thời điểm hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong chờ hội nghị lần thứ 2 với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sẽ được tổ chức vào ngày mai (17/5) tại Hà Nội. Một năm qua, môi trường cho doanh nghiệp phát triển được khơi thông ở mức như thế nào để hiện thực hóa những lời hứa và quyết tâm của Thủ tướng cũng như của Chính phủ?
Kết thúc năm 2016, có tới 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, lập kỷ lục trong lịch sử kinh tế Việt Nam. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng vọt trong 4 tháng đầu năm 2017, với gần 40.000 doanh nghiệp. Những con số này cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào sự quyết liệt của Chính phủ thực hiện lời hứa của mình là "Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ".
Sau cuộc đối thoại với doanh nghiệp lần thứ nhất, các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã nhanh chóng được thể chế hóa tại Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Việc ban hành Nghị quyết 35 trong thời gian ngắn "kỷ lục" đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, để tạo tiền đề thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, phát triển bền vững.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là điểm đáng ghi nhận trong thời gian qua. Với 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành, 4.527 trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính (gần 96%) đã được đơn giản hóa.
Kể từ Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, gần 1.100 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước, trong đó đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời (đạt tỷ lệ 77%).
Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năm 2016, Việt Nam đứng thứ 82/190 quốc gia, tăng 9 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh (từ vị trí 91/189 lên 82/190) với 5 chỉ số tăng hạng.
Mặc dù nhiều khó khăn của doanh nghiệp đã được tháo gỡ, nhưng theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để thực sự trở thành động lực cho nền kinh tế, khối doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản cần tiếp tục tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng khi môi trường kinh doanh vẫn còn những "hạt sạn" như: vấn đề tiếp cận nguồn vốn, chi phí ngầm, rào cản thủ tục hành chính và nhiều vấn đề khác.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!