Nhìn lại kết quả và hạn chế sau hơn 30 năm thu hút đầu tư FDI

Khánh Huyền (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ hai, ngày 26/08/2019 17:05 GMT+7

VTV.vn - Sau hơn 30 năm, các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam không chỉ tìm kiếm lợi nhuận mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam nhưng vẫn còn những hạn chế.

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết về "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030".

Đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam trong thời kỳ mới. Bởi trong hơn 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhiều kết quả đã đạt được nhưng cũng vẫn còn cả những hạn chế mà buộc chúng ta cần phải lên kế hoạch để khắc phục, hoàn thiện để việc thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới được chọn lọc và hiệu quả hơn.

Vốn thu hút FDI từ những năm đầu chỉ từ 1 tỷ USD vốn thực hiện thì đến nay (6/2019) đã thu hút được hơn 200 tỷ USD, gấp khoảng 200 lần, chỉ trong vòng 31 năm.

Năm 2018, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 20% vào tổng thu ngân sách. Khu vực này cũng đã tạo việc làm cho 4 triệu việc làm trực tiếp và 5 triệu việc làm gián tiếp. Kim ngạch xuất khẩu của FDI cũng đang chiếm gần 2/3 kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Bên những kết quả đạt được, thu hút FDI trong thời gian qua vẫn còn cả những mặt còn tồn tại, hạn chế.

Một nửa các dự án FDI có quy mô nhỏ dưới 1 triệu USD, việc chuyển giao khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước còn chậm, số hợp đồng chuyển giao thấp chỉ có 1.000 hợp đồng. Tỷ lệ nội địa hóa chỉ khoảng 20-25%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Đặc biệt, năm 2017, trong tổng số trên 16.700 doanh nghiệp FDI báo cáo có đến hơn 2.670 doanh nghiệp lỗ mất vốn nhưng có đến 60% doanh nghiệp lỗ mất vốn này vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.

Lỗ nhưng vẫn cứ mở rộng sản xuất, điều này đã đặt ra nghi vấn không ít doanh nghiệp FDI chuyển giá. Ngoài ra, tình trạng doanh nghiệp FDI có vốn mỏng, đi vay nhiều để tăng chi phí khấu hao, làm giảm lợi nhuận để không phải đóng thuế cũng là thực trạng báo động. Bởi qua rà soát nhanh 140 doanh nghiệp có dư nợ vay nước ngoài trung dài hạn cao, có đến 46 doanh nghiệp, chiếm 32%, có tổng mức vay nước ngoài ở mức gấp 4 lần vốn chủ sở hữu mà 46 doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp FDI.

Từ thực trạng trên, Nghị quyết FDI ra đời được kỳ vọng là giải pháp giúp khắc phục chuyện doanh nghiệp FDI chuyển giá, vốn mỏng, đầu tư chui và "núp bóng" tinh vi.

UOB: Năm 2019, Việt Nam thu hút 20 tỷ USD vốn FDI UOB: Năm 2019, Việt Nam thu hút 20 tỷ USD vốn FDI Nhà đầu tư trước thay đổi định hướng thu hút FDI Nhà đầu tư trước thay đổi định hướng thu hút FDI Cần 'bộ lọc' với các dự án FDI Cần "bộ lọc" với các dự án FDI

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước