Niềm tin của nhà đầu tư vào sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu
Thời gian qua, dưới tinh thần chấn chỉnh, bình ổn hướng tới phát triển thị trường trái phiếu bền vững, đã phát hiện một vài trường hợp phát hành trái phiếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh hay công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn An Đông. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhiều thông tin sai lệch ảnh hưởng tâm lý cộng đồng đầu tư trái phiếu.
Theo đó, trên mạng xã hội lan truyền rất nhiều thông tin thất thiệt như lộ danh sách 12 doanh nghiệp bất động sản sắp bị thanh tra hay một lãnh đạo doanh nghiệp vay nợ qua kênh trái phiếu 37.000 tỷ đồng… Nhiều nhà đầu tư cảm thấy hoang mang vì những thông tin thất thiệt này. Nhưng nếu nhà đầu tư thực sự hiểu sản phẩm và nắm được tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp thì sẽ được an tâm.
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên giữ bình tĩnh và sự tỉnh táo trước các thông tin nhiễu loạn được lan truyền, tránh việc bán tháo và cắt lỗ trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ bằng mọi giá, mà không tìm hiểu kỹ sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, những thay đổi mới đây trong Nghị định về trái phiếu riêng lẻ, sẽ tạo ra một lớp nhà đầu tư mới, am hiểu thị trường hơn. Ảnh minh họa.
Sở hữu 2 hợp đồng trái phiếu đến giữa năm sau đáo hạn, chị Nga (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có thời điểm đã dao động, định rút vốn về. Nhưng sau khi được doanh nghiệp phát hành giải đáp băn khoăn, và cân nhắc thiệt hơn giữa lợi nhuận và rủi ro, chị quyết định tiếp tục nắm giữ trái phiếu.
"Tôi vẫn để tới kỳ hạn mới rút vì đã tìm hiểu về tài sản đảm bảo và doanh nghiệp. Cách mà doanh nghiệp hỗ trợ cho nhà đầu tư vào thời điểm này nên khiến tôi có niềm tin", chị Nga chia sẻ.
A Tùng - chuyên viên tư vấn trái phiếu cho hơn 100 nhà đầu tư, cũng nhận được không ít câu hỏi xung quanh các vụ việc gần đây trên thị trường. A phải cập nhật từng giờ, chia sẻ thông tin về doanh nghiệp phát hành một cách minh bạch, công khai, để tránh nhà đầu tư bị tác động tâm lý từ những đồn đoán không chính xác.
Anh Tùng cho hay: "Tôi giúp khách hàng phân tích về tình hình doanh nghiệp, tài sản đảm bảo, dòng tiền trả nợ và tình hình làm ăn của doanh nghiệp. Từ 3 giải pháp thời điểm đó đã giúp khách hàng yên tâm hơn, nên nhiều khách có cả chục tỷ họ cũng không rút trước hạn".
Minh bạch, hiểu rõ thông tin cũng là mấu chốt quan trọng trong quyết định đầu tư. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, những thay đổi mới đây trong Nghị định về trái phiếu riêng lẻ, sẽ tạo ra một lớp nhà đầu tư mới, am hiểu thị trường hơn.
"Tìm hiểu xem trái phiếu có tài sản đảm bảo, những đợt phát hành trước họ có thanh toán đầy đủ hay không, bên nào phát hành thay họ…", anh Hạo - quận Ba Đình, Hà Nội cho biết.
Chị Thùy Linh nói: "Không nên vì những vụ việc như thế mà quay lưng vào đầu tư trái phiếu, mà nên tìm hiểu kĩ hơn, đặc biệt doanh nghiệp phát hàng trái phiếu để đư ra quyết định tốt hơn".
Trên thế giới, trái phiếu là kênh đầu tư hiệu quả, thu hút tiền nhàn rỗi đồng thời là kênh huy động vốn trung dài hạn, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp.
Nhìn nhận đúng về kênh trái phiếu doanh nghiệp
Các sự việc có dấu hiệu vi phạm như của Tập đoàn Tân Hoàng Minh hay công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn An Đông chỉ là những sự kiện đơn lẻ và đã được xử lý khu trú. Thực tế, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu, kể cả trong ngành bất động sản, có tỷ lệ đòn bẩy nợ rất thấp, chất lượng tốt, vẫn có dòng tiền trả nợ theo cam kết.
Do đó, sẽ là điều đáng tiếc cho thị trường và tổn thất cho chính nhà đầu tư nếu tìm cách bán lại trái phiếu bằng mọi giá. Vì trước một áp lực rút tiền đột ngột và ồ ạt thì doanh nghiệp dù tốt cũng trở thành xấu chứ không phải vì họ yếu dòng tiền hoặc kinh doanh kém.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 9 tháng năm 2022 ghi nhận giá trị phát hành đạt 246,32 nghìn tỷ VND, tương đương 35,87% giá trị năm 2021. Ảnh minh họa.
Theo thống kê của FiinRatings, nỗi lo của thị trường về trái phiếu doanh nghiệp đang có phần hơi quá vì ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp đến với hệ thống tín dụng hiện nay là ở mức rất thấp.
Dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 9 đạt hơn 1,3 triệu tỷ VND, trong đó các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455 nghìn tỷ VND. FiinRatings cho rằng con số này trên thực tế chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 9 tháng ghi nhận giá trị phát hành đạt 246,32 nghìn tỷ VND, tương đương 35,87% giá trị năm 2021. Dù con số tăng trưởng giảm so với giai đoạn trước nhưng đây được đánh giá là thời gian để Nghị định mới, tinh thần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn mới được thẩm thấu.
Theo số liệu của FiinRatings, trong tháng 9 vẫn có doanh nghiệp lựa chọn kênh trái phiếu để huy động vốn như No Va Thảo Điền hay Sơn Kim hay việc Tập đoàn Masan đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 4.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. Đây là những tín hiệu khẳng định trái phiếu vẫn là kênh huy động phù hợp trong trung và dài hạn cho các doanh nghiệp, đồng thời cũng là cơ hội đầu tư cho dòng vốn Việt vào doanh nghiệp Việt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!