"Tín dụng đen" đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Nóng hơn hết là tại các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Tại hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức với sự tham gia của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo địa phương, các sở ban ngành 5 tỉnh Tây Nguyên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng các tổ chức tín dụng, hàng loạt các biện pháp mới đã được đề xuất nhằm đẩy lùi tình trạng này, trong đó có chủ trương mở rộng đối tượng cho vay.
Chỉ tính riêng trên địa bàn Tây Nguyên, hiện toàn hệ thống ngân hàng đang có 495 chi nhánh, phòng giao dịch. Dư nợ tín dụng chiếm 4,52% tổng dư nợ toàn quốc. Chưa kể, tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 8,7% tổng số tiền ngân hàng này đang cho vay trên toàn quốc.
Tuy nhiên, phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, do khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, tình hình tín dụng đen của khu vực thời gian qua diễn biến phức tạp.
Lãnh đạo các địa phương cũng thừa nhận, tình hình tín dụng đen vô cùng phức tạp, rất khó quản lý. Từ năm 2018 đến nay, riêng tại Lâm Đồng đã phát hiện 87 vụ việc liên quan đến tín dụng đen. Khởi tố 19 vụ, phạt hành chính 16 vụ, và đang giải quyết 34 vụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!