Nhu cầu mạnh đẩy giá dầu lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018

Theo Dân trí-Thứ bảy, ngày 26/06/2021 13:11 GMT+7

Giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 do kỳ vọng nhu cầu tăng vượt cung (Ảnh: Reuters).

VTV.vn - Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 do kỳ vọng nhu cầu tăng vượt cung và OPEC+ thận trọng trong việc gia tăng sản lượng trở lại từ tháng 8.

Giá dầu Brent kết thúc phiên giao dịch ngày 25/6 tăng 62 cent, tương đương 0,8%, lên mức 76,18 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 75 cent, tương đương 1,0%, lên mức 74,05 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của cả 2 loại dầu kể từ tháng 10/2018. Cả hai hợp đồng dầu đều đã tăng 3% trong tuần. Đây cũng là tuần tăng thứ 5 của giá dầu thế giới.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: "Giá dầu thô tăng do triển vọng nhu cầu được cải thiện cùng với kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục thắt chặt khi OPEC+ có khả năng nâng rất ít sản lượng tại cuộc họp vào ngày 1/7 tới".

Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Nga và các đồng minh (gọi là OPEC+) sẽ diễn ra vào ngày 1/7 để thảo luận về việc nới lỏng hơn nữa việc cắt giảm sản lượng từ tháng 8.

"Các nhà sản xuất có nhiều dư địa để tăng sản lượng mà không ảnh hưởng đến các kho dự trữ dầu nhờ triển vọng nhu cầu dầu tốt hơn", Stephen Brennock của nhà môi giới dầu PVM cho biết.

Đối với nhu cầu, theo các nhà phân tích, các yếu tố chính mà OPEC+ sẽ phải xem xét là sự tăng trưởng mạnh ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc nhờ việc triển khai vắc xin và mở cửa trở lại nền kinh tế.

Ngoài ra, viễn cảnh các lệnh trừng phạt đối với Iran được dỡ bỏ khiến dầu của nước này chảy vào thị trường nhiều hơn đã mờ đi khi một quan chức Mỹ cho biết vẫn còn nhiều khác biệt nghiêm trọng về một loạt vấn đề tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, việc thiếu một thỏa thuận tạm thời giữa cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc và Iran trong việc giám sát các hoạt động nguyên tử là rất quan ngại.

Iran vẫn chưa phản hồi với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc về việc gia hạn thỏa thuận giám sát đã hết hạn, cơ quan này cho biết sau vài giờ Washington cảnh báo không kéo dài thỏa thuận trên sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015.

Các nhà phân tích tại ClearView Energy Partners LLC cho biết: "Nếu thỏa thuận Iran không đạt được vào ngày 1/7, chúng tôi dự báo OPEC + sẽ quay trở lại thiết lập hạn ngạch từng tháng và công bố mức tăng sản lượng khiêm tốn cho tháng 8 tại các cuộc họp vào tuần tới".

Trong khi đó, theo hãng dịch vụ năng lượng Baker hughes, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ - một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai - đã giảm 1 giàn xuống còn 372 giàn trong tuần này. Mặc dù vậy, tính chung trong tháng 6, số giàn khoan của Mỹ đã tăng 13 và tăng 48 giàn trong quý II, quý tăng thứ 3 liên tiếp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước