Những bất thường xung quanh việc IOC phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 11/03/2020 08:59 GMT+7

VTV.vn - Quy mô vốn chỉ khoảng 100 tỷ, IOC đã phát hành trái phiếu gấp 5 lần vốn sở hữu, vụ việc này đã xảy ra gần chục năm nhưng đến nay hậu quả để lại vẫn chưa giải quyết xong.

Ngày 1/9/2011, Công ty IOC và 1 đơn vị đã ký hợp đồng mua bán trái phiếu. IOC đã phát hành 500 trái phiếu, tương đương với 500 tỷ đồng. Kỳ hạn trái phiếu là 5 năm, lãi suất 15%/năm đầu tiên. Ngay trong ngày ký hợp đồng, bên mua đã chuyển đủ 500 tỷ đồng cho IOC. Đến hạn năm 2016, IOC không thể trả nợ cho bên mua, buộc đơn vị này phải kiện ra tòa.

Mới đây, các cổ đông và thành phần HĐQT nhiệm kỳ mới của IOC đã rà soát hồ sơ và phát hiện ra, Ban lãnh đạo Công ty IOC nhiệm kỳ cũ 2011, đã phát hành trái phiếu trái phép khi chưa đủ điều kiện.

Cụ thể, theo Nghị định 52 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực tại thời điểm năm 2011 thì doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải có đủ 5 điều kiện, trong đó quan trọng nhất là phải có báo cáo tài chính được kiểm toán của năm liền kề trước năm phát hành trái phiếu, có phương án phát hành trái phiếu được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông qua.

Trong khi đó, ngày 10/9/2011, tức là 10 ngày sau khi phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu cho bên mua, Công ty IOC nhiệm kỳ cũ 2011, mới có báo cáo kiểm toán. Ngoài ra, biên bản họp hội đồng quản trị của Công ty IOC ngày 12/8/2011 về việc thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, có chữ ký của ông Huỳnh Trung Nam, thành viên HĐQT bị làm giả. Chữ ký này sau đó đã được Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an giám định với các văn bản mà ông Nam ký trước đó, kết quả là không phải do cùng 1 người ký ra. Đặc biệt, Công ty Ban lãnh đạo IOC nhiệm kỳ cũ 2011, đã phát hành trái phiếu trực tiếp đến nhà đầu tư, không theo bất cứ một phương thức nào được quy định tại Nghị định 52, đó là các phương thức bảo lãnh, qua đại lý phát hành, hoặc đấu thầu.

Nghiêm trọng hơn là Công ty IOC còn phát hành trái phiếu với lãi suất lên tới 15%/năm, gấp 3 lần tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm liên tiếp của doanh nghiệp này là 5.3%. Có dấu hiệu vi phạm Mục B, Khoản 2, Điều 88 Luật doanh nghiệp 2005 về việc: "Công ty không được quyền phát hành trái phiếu khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân của 3 năm liên tiếp trước đó không cao hơn mức lãi suất dự kiến cho cho trái phiếu".

Lợi nhuận thấp trung bình chỉ có 5.3%, nhưng lại phải trả lãi lên tới 15%/năm, điều này dẫn đến việc IOC đã không trả được tiền gốc và lãi sau khi phát hành trái phiếu cho bên mua.

Đại diện cho cổ đông IOC nhiệm kỳ mới, bà Đỗ Thị Thùy Dương cho biết các cổ đông và ban điều hành IOC mới không hề biết những vi phạm nghiêm trọng này.

Theo luật sư, IOC nhiệm kỳ 2011 đã có dấu hiệu vi phạm Điều 128 Bộ luật Dân sự 2005 về việc vi phạm điều cấm của pháp luật, phát hành trái phiếu khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Về phía bên mua là Ngân hàng Hàng Hải MSB, dù biết IOC chưa đủ điều kiện phát hành trái phiếu nhưng vẫn đồng ý mua, khi không có tài sản đảm bảo, không có dự án, phương án sản xuất kinh doanh được thẩm định.

Một điểm đáng chú ý là theo hợp đồng mua bán trái phiếu, IOC sẽ dùng 500 tỷ đồng để thực hiện dự án Sunrise Hội An. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi nhận được tiền của bên mua, ban lãnh đạo IOC nhiệm kỳ 2011 đã chuyển toàn bộ số tiền này để đi trả nợ cho các đơn vị khác. Theo các luật sư, đây rất giống với hình thức vay để đảo nợ, có dấu hiệu vi phạm Chỉ thị 01 của NHNN.

Với hàng loạt các dấu hiệu sai phạm trong việc phát hành trái phiếu từ IOC nhiệm kỳ cũ 2011, đã khiến cho cổ đông và ban lãnh đạo IOC nhiệm kỳ mới, phải đối mặt với khoản nợ lớn không thể trả được. Còn bên mua thì không thu hồi được nợ, phải chuyển sang nợ xấu. Và câu chuyện kiện tụng giữa 2 đơn vị này sau gần chục năm đến giờ vẫn chưa có hồi kết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước