Ông Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Khoảng hơn 1 tháng nữa, ông Donald Trump sẽ chính thức tiếp quản Nhà Trắng. Giờ là lúc ông Donald Trump tất bật với công việc hoàn thiện nội các chính phủ.
Những cái tên được chọn cho các vị trí Bộ trưởng thời gian qua đã khiến báo chí Mỹ gọi đây là nội các của các tỷ phú. Vậy nội các gồm toàn doanh nhân, tỷ phú với nhiều cái nhất trong lịch sử nước Mỹ liệu có khó khăn gì khi tiếp quản Nhà Trắng không?
Tờ Thời báo phố Wall nhận xét, đây có thể là nội các chính phủ giàu có nhất lịch sử nước Mỹ. Tờ báo trích lời ông Trump rằng, ông rất phục những người này vì họ giống ông, thành công trên thương trường. Và ông Trump hy vọng, những người biết làm giàu cho bản thân sẽ biết cách làm giàu cho đất nước.
Theo tờ NBC, nếu tính tổng cộng số tài sản từng công bố, nội các của ông Trump đang sở hữu khoảng 35 tỷ USD, nổi bật nhất là các vị như Bộ Trưởng và Thứ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Tài chính… Ngoài ra, một số vị trí ông Trump chưa bổ nhiệm hết. Các ứng viên cũng đều là những triệu phú.
Tờ Bưu điện Huffington tỏ ra thận trọng khi nhận xét "nhưng đây cũng có thể là nội các ít kinh nghiệm chính trường nhất" bởi tính ra tới thời điểm này, không ai trong số những người ông Trump chọn từng làm cho một cơ quan nào đó của chính phủ. Liệu điều này có ảnh hưởng tới công việc của họ khi tiếp quản nhiệm vụ mới?
Trang tin tài chính của Yahoo dẫn chứng, những đời tổng thống gần đây cũng rất trọng những người có của. Những người trong nội các của ông Bush có tài sản lên tới hơn 3 tỷ USD. Nội các của ông Obama cũng không kém. Từ chức Ngoại trưởng tới Bộ trưởng Thương mại, đều là những người có gia thế bạc triệu.
Nội các của ông Trump bị đánh giá là ít kinh nghiệm chính trường nhất. Ảnh: Yahoo
Tờ CNNMoney cho biết, tuy nhiên, khi được bổ nhiệm các vị này, điều phải hy sinh là từ bỏ quyền nắm giữ tài sản của họ ở các công ty bởi theo luật liên bang, Tổng thống và Phó Tổng thống được miễn xét nhưng các thành viên chính phủ buộc phải cắt đứt quan hệ về tài chính với các công ty, tập đoàn. Điều này nhằm tránh xảy ra xung đột về lợi ích khi họ nắm quyền.
Trang Marketwatch lấy dẫn chứng về trường hợp của ông Henry Paulson, Cựu Tổng giám đốc của ngân hàng Goldman Sachs. Ông này được ông Bush bổ nhiệm làm Bộ trường Tài chính năm 2006. Trước khi tiếp quản nhiệm vụ mới, ông Paulson đã bị buộc phải bán tháo hết số kiểu phiếu đang nắm giữ ở Goldman Sachs, trị giá lên tới 500 triệu USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!