Năm 2019, việc chính phủ Mỹ đóng cửa một phần khiến Tổng thống Donald Trump không thể đến Davos, nơi ông từng đưa ra những thông điệp khá gay gắt về thương mại hồi năm 2018, báo hiệu cho các căng thẳng thương mại diễn ra sau đó.
Còn năm nay, với việc vừa ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc cách đây ít ngày, nhà lãnh đạo Mỹ nhiều khả năng sẽ mang tới Davos một thông điệp hòa hoãn hơn nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Ngay trước khi diễn đàn khai mạc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh bất ổn xã hội gia tăng có nhiều diễn biến tiêu cực tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là Ấn Độ. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc hạ nhiệt được kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động tích cực.
Chủ đề của diễn đàn năm nay là "Các bên liên quan hướng tới một thế giới bền vững và gắn kết". Điều này phản ánh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã cam kết chú ý nhiều hơn tới nhân viên, khách hàng và môi trường, thay vì chỉ quan tâm đến cổ đông. Các vấn đề khí hậu và môi trường được diễn đàn coi là nguy cơ cấp bách hàng đầu của thế giới hiện tại.
Tương lai của các đại gia công nghệ cũng sẽ là một chủ đề được nhiều người quan tâm. Dự kiến, lãnh đạo của các tập đoàn tên tuổi như Microsoft, Google, Huawei, hay Facebook sẽ có những phát biểu tại diễn đàn năm nay, trong bối cảnh hàng loạt vấn đề đang bủa vây các doanh nghiệp này, từ quyền riêng tư cho đến thuế.
Một báo cáo gần đây của Media Tenor đánh giá ngành công nghệ đang bị báo giới "ngờ vực như ngành thuốc lá và tài chính".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!