Hội nghị COP25 nhấn mạnh tới vai trò của biển và đại dương trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Biển và đại dương hấp thụ bớt nhiệt lượng, làm mát hành tinh, đồng thời hòa tan một phần khí CO2, giảm hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, hoạt động của con người, nhất là sản xuất công nghiệp, tiếp tục gây ô nhiễm và phá hủy hệ sinh thái biển.
Đại dương chiếm 70% diện tích bề mặt Trái đất, tạo ra dưỡng khí oxy, vừa hấp thụ dioxyde carbone, làm mát khí quyển, góp phần điều chỉnh nhiệt độ và khí hậu Trái đất. Tuy nhiên, tình trạng nhiệt độ tăng cao do các hoạt động của con người đang làm tăng tốc độ bốc hơi nước, xáo trộn chế độ mưa, kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nắng nóng và hạn hán dài hơn và nhiều hơn, mưa bão và lụt lội dữ dội hơn. Hoạt động của con người cũng gây xáo trộn hệ sinh thái biển. Rác thải nhựa và hóa chất công nghiệp từ các nhà máy ven biển vẫn đang phá hủy rừng ngập mặn và các rạn san hô, tiêu diệt rong tảo và tôm cá.
Để cứu Trái đất, trước hết phải cứu biển cả và đại dương. Đó là ý chủ đạo trong nghiên cứu mới nhất của LHQ do 100 nhà khoa học từ 36 quốc gia thực hiện. Mực nước biển đã tăng 15cm trong thế kỷ 20 và có thể tăng thêm tới hơn 1m nữa vào cuối thế kỷ này nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục như hiện nay. Bảo vệ đại dương và biển cả cũng là chủ đề đàm phán chính của Hội nghị Khí hậu thế giới năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!