Từ siêu thị, bếp ăn châu Âu, kinh nghiệm nào cho hạt gạo Việt Nam trên đất khách?

Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ ba, ngày 22/09/2020 14:18 GMT+7

VTV.vn - Để thực hiện loạt phóng sự về hạt gạo trên thị trường châu Âu, phóng viên VTV đã tới hàng chục siêu thị khác nhau và mua gần như mỗi loại gạo một gói.

Phóng viên VTV đã nấu theo hướng dẫn, ăn thử, để cảm nhận từng loại gạo và cố gắng tìm hiểu vì sao gạo được đóng gói như vậy. Một chi tiết bất ngờ là không phải gói gạo nào cũng ghi rõ nguồn gốc. Gói gạo lứt basmati ghi do một công ty Pháp nhập khẩu, nhưng không biết nhập khẩu từ đâu. Gói gạo trắng bio không ghi là gạo của nước nào. Đặc biệt, 2 gói gạo mang thương hiệu nổi tiếng, nhưng trên bao bì không có bất cứ chi tiết nào về xuất xứ hay nơi đóng gói.

Ở những công ty đóng gói bữa ăn như công ty Servair, người công nhân nấu cơm, làm việc như một cái máy. Bao nhiêu nước, bao nhiêu gạo, đun bao lâu, mọi việc đều theo một quy trình cố định.

Trong bếp ăn căn-tin, một người phải làm nhiều việc, nếu thường xuyên thay đổi nguyên liệu, thì có thể nhầm lẫn, làm nồi cơm bị nát hoặc bị sống. Ở đây, hỏng một nồi cơm là cả chục cân gạo phải đổ bỏ, ngoài ra là nguy cơ làm đình đốn cả dây chuyền. Vì thế yêu cầu với hạt gạo cũng có những lưu ý đặc biệt.

Chất lượng không cần cao nhưng phải đều

Bếp trưởng căn-tin đài Truyền hình Bỉ chia sẻ rằng: "Một người thường ăn ở căn-tin sẽ không để ý nếu như hạt cơm ngày nào cũng như ngày nào. Tuy nhiên nếu trong vài tuần, bỗng nhiên cơm ngon hơn hẳn, thì tới lúc quay lại loại gạo trước đây, người ăn có thể phàn nàn chất lượng bữa ăn đi xuống". Vì vậy, nếu căn-tin đã ký hợp đồng mua gạo không ngon, thì lần nào cũng phải giao cho họ đúng loại gạo không ngon ấy, họ không cần loại gạo tốt hơn.

Từ siêu thị, bếp ăn châu Âu, kinh nghiệm nào cho hạt gạo Việt Nam trên đất khách? - Ảnh 1.

Gạo Thái chiếm vị thế chắc chắn trên thị trường EU.

Nguồn cung có thể ít nhưng không đứt đoạn

Khách hàng đã quen thích ăn một loại gạo mà khi tới cửa hàng quen không thấy loại gạo đó nữa, họ sẽ đi tìm mua ở nơi khác.

Khi tới cửa hàng khác có loại gạo đó, họ sẽ mua không chỉ gạo, mà còn mua cả các thực phẩm khác nữa. Cửa hàng bị đứt đoạn nguồn cung loại gạo đó không chỉ mất một khách mua gạo, mà còn giảm doanh thu cả với các mặt hàng khác.

Gạo Thái không ngon hơn, rẻ hơn nhưng vị thế chắc chắn hơn

Một số doanh nhân nhập khẩu gạo và chủ cửa hàng bán lẻ cho biết, gạo Thái Lan không phải lúc nào cũng ngon hơn và rẻ hơn so với gạo Campuchia và gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, gạo Thái chiếm vị thế chắc chắn trên thị trường là do doanh nghiệp Thái Lan luôn làm được đúng như giao kèo: giao hàng đúng hạn, đúng phẩm cấp và đủ số lượng, giá bán không tăng, ngay cả khi mạng lưới vận tải quốc tế bị xáo trộn, thậm chí ngưng trệ, như hồi đầu năm nay.

Gạo Việt vẫn chưa có thương hiệu sau 30 năm xuất khẩu?

Việt Nam đã xuất khẩu gạo 30 năm nay, nhưng để tên thương hiệu đi vào lòng người tiêu dùng, kết quả chỉ là những loại gạo đặc sản, gắn với địa phương vùng miền, chứ không hề có dấu ấn của thương hiệu hay tên tuổi của một doanh nghiệp, hay một tổ chức sản xuất gạo bài bản chuyên nghiệp nào.

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của loại gạo ngon nhất thế giới ST25, Việt Nam không thiếu những giống lúa để làm nên những loại gạo ngon nhất nhì thế giới. Tuy nhiên trong một thời kỳ dài, do định hướng xuất khẩu, chúng ta ưu số lượng và giá bán rẻ làm lợi thế cạnh tranh của gạo Việt.

Chính vì vậy, gạo Việt chỉ xuất khẩu dưới dạng bao lớn và đóng nhãn mác nhà nhập khẩu. Việc không có thương hiệu là điều dễ hiểu.

Từ trước tới giờ, hệ thống chính sách của Việt Nam cũng chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp phát triển thương hiệu gạo của mình.

Thêm vào đó, chúng ta chưa có một hệ thống phân phối, nhà kho bến bãi đủ lớn để không phải phụ thuộc vào nhà buôn thế giới. Các chuyên gia cho rằng cần phải học hỏi Thái Lan về điều này.

Ngoài ra còn nguyên nhân khác là do cơ quan nhà nước đến các doanh nghiệp chưa chú trọng quảng bá, chưa có chiến lược bài bản, định hướng rõ ràng cho thương hiệu gạo Việt.

Giá gạo Việt xuất khẩu tăng cao là tin vui. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thích hợp đưa ra chiến lược bài bản khẳng định thương hiệu gạo Việt trên thị trường, thay vì theo đuổi sản lượng như trước đây.

Đây cũng là thời điểm tốt khi Việt Nam đang có có cơ hội, nhất là khi hạt gạo đang là một trong những sản phẩm nhận được ưu đãi thuế quan nhiều nhất từ EVFTA tại thị trường châu Âu, với hơn 500 triệu dân.

Thách thức trong xây dựng thương hiệu gạo tại châu Âu

Theo khảo sát của phóng viên tại khoảng 20 siêu thị tại Brussels, gạo Việt Nam có trong một số cửa hàng châu Á, đóng bao to 20kg, do một doanh nghiệp Hà Lan nhập khẩu.

Một số doanh nghiệp nhập khẩu nông sản tại Bỉ, Pháp và Thụy Điển cho biết, gạo Việt Nam rất ngon, họ mong muốn nhập khẩu gạo Việt, tuy nhiên cũng có những yếu tố làm họ nản. Thứ nhất là giá cả không ổn định, lên xuống đột ngột trong ngắn hạn, đến mùa thì rẻ mà trái mùa thì đắt, không như gạo Thái có giá bán ổn định lâu dài. Thứ hai là chất lượng gạo Việt Nam không ổn định.

Tìm hiểu nhu cầu của các nhà nhập khẩu nông sản tại châu Âu có thể là cách để biết, làm thế nào để củng cố vị thế hạt gạo Việt, xây dựng uy tín và thương hiệu trên thị trường châu Âu.

Gạo Việt Nam được công nhận là ngon và nay lại có Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu, nên giá cũng cạnh tranh hơn. Thế nhưng, gạo Việt có chinh phục được khách hàng châu Âu hay không còn tùy thuộc vào những yếu tố khác.

Một chiến dịch quảng bá thương hiệu ở nước ngoài là rất tốn kém. Giới thiệu một loại gạo mới lạ mà khách hàng chưa hề biết, mời ăn thử, phát tờ rơi, dù có làm ở hội chợ quốc tế cũng là khoản đầu tư lớn.

Gạo Việt Nam có tham vọng mang đi chinh phục thị trường bán lẻ châu Âu thì chất lượng rất tốt. Hiện Hiệp định Thương mại có hiệu lực, giá bán cũng hấp dẫn. Tuy nhiên, ngon và rẻ vẫn chưa đủ để tạo dựng thương hiệu.

Gạo Việt cần gì khi muốn xuất hiện tại các siêu thị châu Âu?

Công ty Thanh Bình Jeune có kho lớn tại Pháp, chuyên nhập khẩu nông sản châu Á, chủ yếu là nông sản Việt Nam. Có kho lớn mới có khả năng duy trì nguồn cung liên tục cho các cửa hàng bán lẻ, nhưng có kho lớn cũng không giải quyết được vấn đề chất lượng gạo không ổn định.

"Trên thế giới ai cũng nói gạo Việt Nam chất lượng không có được đều. Có lúc khi nhận được lô đẹp, có lúc lại nhận được lô xấu. Chuyện đó không ai có thể chấp nhận được hết. Phải kiếm cách nào để chất lượng thật đều từ đầu năm tới cuối năm đó là chuyện quan trọng nhất", ông Ngô Minh Đường,Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Thanh Bình Jeune (Pháp), cho biết.

Gạo ngon, hoặc kém ngon một chút cũng được, nhưng lô hàng sau phải giống lô hàng trước. Gạo rẻ, hoặc đắt một chút không sao, nhưng giá bán không được lên xuống quá thất thường. Ổn định tương đối về giá cả cũng là điều kiện quan trọng nếu muốn gây dựng thương hiệu.

Quảng bá thương hiệu ở nước ngoài là rất tốn kém. Quảng bá phải đi cùng một loạt yếu tố nữa mới không lãng phí. Giá chưa chắc cần phải rẻ nhất, gạo không nhất thiết phải rất ngon nhưng giá bán phải ổn định lâu dài, chất lượng phải không quá khác biệt giữa các đợt hàng, nguồn cung phải liên tục không khi nào đứt đoạn.

Ổn định và liên tục trong nhiều năm liền mới là thách thức chủ yếu trên con đường dài gây dựng thương hiệu gạo trên thị trường châu Âu.

Hạt gạo Việt tại châu Âu: Khi 'ngon, bổ, rẻ' là chưa đủ! Hạt gạo Việt tại châu Âu: Khi "ngon, bổ, rẻ" là chưa đủ!

VTV.vn - Miễn giảm thuế là một thuận lợi lớn cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường châu Âu. Tuy nhiên, gạo Việt có chinh phục được khách hàng châu Âu hay không lại là chuyện khác.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước