Tại ngân hàng Shinhan, khách hàng sử dụng chữ ký điện tử. Giao dịch viên chuyển thẳng dữ liệu lên hệ thống của ngân hàng mà không cần gõ lại thông tin vào máy tính.
Nếu như trước đây, việc mở tài khoản ngân hàng mới hay lập quỹ tiết kiệm tại ngân hàng Shinhan phải cần đến 4 - 5 loại giấy tờ thì bây giờ, tất cả mọi thao tác đều có thể được thực hiện trên chiếc ipad nhỏ gọn này.
Ông Han Dong-yeong, ngân hàng Shinhan, cho biết: "Hình thức mới giúp các giao dịch được thực hiện nhanh gọn và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, đây cũng là cách để ngân hàng gia tăng lợi nhuận, nhờ cắt giảm được chi phí".
Tại ngân hàng Woori, khách hàng có thể tự làm thẻ ghi nợ và sử dụng nhiều dịch vụ tài chính khác, thông qua một kiot thông minh. Việc kiểm tra danh tính được thực hiện nhờ sinh trắc học, như quét dấu vân tay hay nhận dạng gương mặt.
Trên thực tế, hiện đang ngày càng có nhiều ngân hàng tại Hàn Quốc áp dụng các phương thức giao dịch điện tử như thế này. Chỉ trong 4 năm vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại lớn của quốc gia này đã đóng cửa tới hàng chục chi nhánh, khi khách hàng có thể làm thẻ hay chuyển tiền vào bất cứ lúc nào mà không cần gặp mặt trực tiếp giao dịch viên. Trong thời gian tới, khách hàng có thể sẽ bị thu thêm phí nếu không sử dụng các dịch vụ điện tử với ngoại lệ duy nhất là những người cao tuổi.
Ông Kwak Beom-jun, cơ quan dịch vụ tài chính Hàn Quốc, cho biết: "Số hoá hoàn toàn là một bước đi cần thiết, nhưng chúng tôi cũng sẽ lưu tâm tới những khách hàng lớn tuổi có khả năng gặp khó khăn với việc sử dụng máy tính".
Chính phủ Hàn Quốc hiện đang lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn sổ tiết kiệm giấy vào năm 2020. Với những thay đổi này, Hàn Quốc hướng đến mục tiêu hạn chế tối đa việc sử dụng giấy tờ và xây dựng một nền tảng tài chính ngân hàng thông minh trong một thập kỷ tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!