East JR và West JR, hai trong số các nhà khai thác đường sắt lớn nhất Nhật Bản, đang dự báo mức lỗ nặng nhất kể từ khi mạng lưới này được tư nhân hóa vào năm 1987. Một chiến dịch quốc gia nhằm thúc đẩy du lịch nội địa không đem lại nhiều hy vọng cho những chuyến tàu cao tốc nổi tiếng vừa nhanh vừa đúng giờ của Nhật.
Những nhà ga vắng vẻ
Ga Tokyo, một trong những trung tâm giao thông, trung chuyển tấp nập nhất Thủ đô với cả triệu lượt khách mỗi ngày, đã không là chính nó trong những tháng gần đây. Đã qua rồi cảnh dòng người như nêm cối, lên tàu, xuống tàu từ sáng sớm đến tối muộn. Vào những ngày cuối tháng 9, ga Tokyo đìu hiu, thi thoảng mới có một tốp người ghé các cửa hàng bán cơm hộp.
Đã qua rồi cảnh dòng người như nêm cối, lên tàu, xuống tàu từ sáng sớm đến tối muộn tại Nhật Bản (Ảnh: Bloomberg)
Anh Taro Aoki, người giám sát 18 cửa hàng thức ăn nhanh ở ga Tokyo cho hay: "Tôi thấy nhiều nhân viên dọn dẹp xuống tàu hơn là hành khách. Bình thường, mọi người sẽ ào xuống tàu, xếp hàng và mua bento nhưng giờ thì chả thấy ai cả".
Không chỉ hàng không, COVID-19 đang làm ngành đường sắt Nhật Bản khốn đốn. Vào thời điểm này trong năm, các chuyến tàu cao tốc lúc nào cũng chật cứng. Người dân Nhật và khách du lịch thường chọn tàu cho những chuyến đi ra ngoài thành phố hay tới các địa điểm hot để ngắm sắc thu. Vé phải đặt trước cả tháng. Nhưng giờ đây, khi mối nguy nhiễm bệnh vẫn hiện hữu, gần như không ai muốn ra khỏi nhà. Những chuyến tàu cao tốc nổi tiếng rơi vào cảnh bị… bỏ hoang.
Những chuyến tàu "bỏ hoang"
East JR và West JR đang dự báo đang dự báo mức lỗ nặng nhất kể từ khi mạng lưới đường sắt của đất nước mặt trời mọc được tư nhân hóa vào năm 1987. East JR dự kiến lỗ 418 tỷ Yen (4 tỷ USD) trong năm tài chính 2020, so với lợi nhuận 198,4 tỷ Yen (1,87 tỷ USD) hồi năm ngoái. Trong khi đó, West JR có khả năng lỗ 240 tỷ Yen (2,27 tỷ USD).
Những bức ảnh được đăng trên mạng xã hội cho thấy những chuyến tàu cao tốc vốn nổi tiếng nay trở nên thê thảm như thế nào.
Một người dùng Twitter đã đăng bức ảnh khoang tàu trống rỗng, không một bóng người, sau khi đi chuyến tàu của hãng East JR.
Những toa tàu trống rỗng thời COVID-19
"Khoang tàu trông như thế này đây ngay cả khi giá vé đã giảm một nửa. Sau khi rời Morioka, con tàu như bị bỏ hoang", hành khách này viết. Đây là chuyến tàu đi tới Iwate, một tỉnh ở Honshu, hòn đảo chính của Nhật Bản.
Chiến dịch kích cầu du lịch trong nước mang tên Go To của Chính phủ không đem lại nhiều hy vọng cho những chuyến tàu Shinkansen hay tàu cao tốc của Nhật Bản. Được triển khai vào tháng 7, chiến dịch đã trợ giá tới 50% cho phương tiện giao thông, khách sạn và các điểm tham quan du lịch tại Nhật Bản.
Đường sắt Nhật Bản "có lẽ" không thể quay lại thời kỳ tiền COVID-19
Yoshitaka Watanabe
Tuy nhiên, với số ca nhiễm COVID-19 vẫn có xu hướng tăng, người dân nước này gần như không dám đi du lịch, dù chỉ là chuyến đi ngắn ngày. Các quan chức Nhật Bản thừa nhận chiến dịch Go To đã thất bại.
Nhiều người bày tỏ việc kích cầu du lịch sẽ khiến dịch bệnh diễn biến pức tạp hơn. Một số người có mong muốn ra ngoài thì quyết định lái xe riêng để tránh việc tiếp xúc với người khác.
Ông Yoshitaka Watanabe, Quản lý bộ phận truyền thông của East JR, cho biết, đường sắt Nhật Bản "có lẽ" không thể quay lại thời kỳ tiền COVID-19.
Ngành đường sắt Nhật Bản có thể sẽ phải đi theo hình chữ L hậu COVID-19 (Ảnh: Koji Uema)
"Ngành đường sắt đã kỳ vọng một sự phục hồi hình chữ V nhưng bây giờ nó có thể là một chữ L", ông Yoshitaka Watanabe nói.
Central Japan Railway Co. cũng chứng kiến mức sụt giảm tương tự. Công ty này dự kiến lỗ 53,3 tỷ Yen trong năm nay. Giá cổ phiếu của East JR giảm 33% trong năm nay, trong khi cổ phiếu của Central JR giảm giá 29,5%.
Giá vé chạm đáy
East JR đã khởi động một chương trình bán vé giá rẻ trong tháng 8, độc lập với chiến dịch Go To. Đã có hơn 300.000 lượt đặt trước tính đến ngày 25/9 và công ty đang đặt mục tiêu đạt 1 triệu lượt vào tháng 3. Với chiến dịch này, East JR giảm giá 50% cho bất kỳ tuyến tàu cao tốc nào.
Ông Hiroshige Murayama, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Nomura, lo ngại, với mức chiết khấu cao như vậy, các công ty đường sắt Nhật Bản sẽ phải vật lộn để có lãi ngay cả sau khi đại dịch kết thúc vì chi phí cố định của ngành này rất cao.
Giá vé chạm đáy nhưng các chuyến tàu vẫn vắng khách
Central JR hiện đang tung ra các gói giảm giá 50% cho những chuyến đi trong ngày. Các chuyến tàu của công ty nối liền những thành phố nổi tiếng bao gồm Tokyo, Hakata và Kyoto. Tháng 7 vừa qua, số lượng du khách quốc tế đến Kyoto đã giảm 99,8% so với 1 năm trước đó. Số hành khách nước ngoài dao động gần mức 0 trong 4 tháng liên tiếp. Trong khi đó, khách du lịch trong nước giảm một nửa.
Bà Mari Koike, 69 tuổi, người quản lý khu nhà trọ ở trung tâm thành phố Kyoto cho biết: "Hàng xóm của chúng tôi đã ngừng kinh doanh hoặc đóng cửa. Một làn sóng hủy phòng đã đến trong năm vừa rồi".
East JR hiện xem xét mở rộng hoạt động kinh doanh hậu cần, bao gồm cung cấp thực phẩm địa phương và đặc sản địa phương như nho, lê và cá cho người tiêu dùng. Đây được xem là chiến lược mới nhằm cứu vãn tình thế "nguy kịch" cho đường sắt Nhật Bản.
“Giờ đây, mọi thứ đều bị hủy. Chỉ cần có một khách hàng thôi cũng đã may mắn lắm rồi”
Cô Yui Muranushi, một geisha 24 tuổi làm việc ở Gion, khu giải trí cao cấp của Kyoto, đã lên kế hoạch tới Tokyo mỗi tuần một lần trong tháng 7 bằng tàu cao tốc để biểu diễn tại các sự kiện chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè vào tháng 7. Nhưng rồi cô chẳng đi một chuyến nào như dự định vì sự kiện đã bị hủy tới năm say.
"Giờ đây, mọi thứ đều bị hủy. Chỉ cần có một khách hàng thôi cũng đã may mắn lắm rồi", cô Muranushi nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!