Tín dụng tăng trưởng mạnh
Đến giữa tháng 6, tín dụng đã tăng 8,16% so với cuối năm 2021. Con số vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố trong buổi họp báo sáng nay cho thấy nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế đang tăng lên. Đặc biệt, các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực từng chịu ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch như du lịch, vận tải... nay đang từng bước quay trở lại guồng hoạt động như trước dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mức tăng tín dụng 8,16% lần này cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 Và cũng là mức tăng cao nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Đến giữa tháng 6, tín dụng đã tăng 8,16% so với cuối năm 2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Đáng chú ý, nguồn vốn đã có sự chuyển hướng nhiều sang sản xuất kinh doanh, hạn chế vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, từ đó đã tạo đà quan trọng phục hồi các hoạt động kinh tế. Nhiều chỉ số vĩ mô về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp đạt kết quả tích cực.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ xem xét, điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại có mức xếp loại, các tỷ lệ an toàn vốn tốt để đảm bảo hiệu quả vốn vay. Theo định hướng, năm nay tín dụng sẽ tăng khoảng 14%.
"Điều đáng mừng là tín dụng tăng dàn trải trên các lĩnh vực cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên tăng rất nhanh, như lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng hơn 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.Bằng những giải pháp thực hiện từ hơn 2 năm qua khi dịch COVID-19 xảy ra, những chính sách giãn, hoãn khoản nợ, lãi đến hạn cho các doanh nghiệp, cùng với chính sách hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên để tập trung khôi phục nền kinh tế có thể nói đã đạt những kết quả bước đầu", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết.
Nhiều ngân hàng bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn tăng lên của nền kinh tế, các ngân hàng cũng đã thực hiện nhiều gói tín dụng ưu đãi. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, nhiều ngân hàng đã được giao kế hoạch vốn và bắt đầu triển khai. Quy mô của gói hỗ trợ khoảng 40.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Agribank được Ngân hàng Nhà nước duyệt kế hoạch 500 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế.
"Dư nợ có thể được thụ hưởng từ chương trình này ở mức khoảng 10% trên dư nợ hiện tại. Do vậy, ngoài điều kiện khách hàng đủ điều kiện tiếp cận thì họ phải có khả năng phục hồi", bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho hay.
Để cấp vốn hỗ trợ kịp thời, ngân hàng BIDV đã rà soát, xây dựng chương trình phần mềm, thực hiện quy trình nội bộ trên toàn hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch; đồng thời rà soát các nhóm khách hàng trong các lĩnh vực đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất.
"Ngay lúc này, đã có khoảng 10.000 khách hàng đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ lãi suất 2% theo đúng đối tượng ngành nghề, tình hình tài chính của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện công tác này một cách hiệu quả, an toàn", ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV, thông tin.
Theo tính toán, với quy mô 40.000 tỷ đồng, gói cấp bù lãi suất có thể hỗ trợ cho 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng trong năm nay và năm sau. Các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ phải làm đề nghị gửi ngân hàng thương mại xem xét, hỗ trợ theo quy định.
Ổn định mặt bằng lãi suất
Nguồn vốn ưu đãi từ chương trình hỗ trợ lãi suất 2% này sẽ góp phần quan trọng tạo đà phục hồi tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, một vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm là làm sao được vay vốn lãi suất thấp, khi lãi suất huy động ở một số ngân hàng đang rục rịch tăng lên. Nhiều chuyên gia cho rằng việc ổn định mặt bằng lãi suất không tăng lên trong năm nay đã là nỗ lực của ngành ngân hàng.
Chính sách tiền tệ lãi suất hiện đang chịu áp lực khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đã thực hiện hơn 140 lượt tăng lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất trong nước tương đối ổn định (chỉ tăng khoảng 0,09%), chính nhờ động thái mạnh tay cắt giảm 3 lần lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong suốt 2 năm dịch bệnh, đưa lãi suất xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạn chế được những tác động từ việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động gần đây của một số ngân hàng thương mại.
"Thế giới hiện nay, tất cả đều đã tăng lãi suất, trừ một vài nước. Việt Nam chúng ta lãi suất huy động đầu vào cũng có tăng, nhưng đầu ra cho vay về cơ bản vẫn ổn định", ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, đánh giá.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn tăng lên của nền kinh tế, các ngân hàng đã thực hiện nhiều gói tín dụng ưu đãi. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá cao việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Mặc dù tín dụng tăng cao, nhưng ngành ngân hàng vẫn giữ được sự ổn định về thanh khoản, khi lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm mạnh. Dòng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng cao, đạt hơn 11,3 triệu tỷ đồng, tính đến cuối tháng 3.
"Lãi suất liên ngân hàng đã quay trở về mức thấp của năm ngoái, cho thấy thanh khoản dồi dào, đáp ứng vốn cho tăng trưởng tín dụng. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 16,9%. Mức tăng trưởng này đến từ nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu vốn cho sản xuất đã tăng đột biến trong vài tháng trở lại đây", bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định.
"Chính sách tiền tệ cần phải duy trì với độ mở nhất định để đảm bảo cho phục hồi tăng trưởng, nhưng mặt khác chính sách tiền tệ cần phải hết sức để ý tới lạm phát. Nhìn chung, so với các nước Đông Nam Á, mức độ siết chặt tiền tệ của Việt Nam tương đối nhẹ vì nền tảng kinh tế tương đối ổn định, vững chắc", ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nói.
Giới chuyên gia cũng lưu ý, các ngân hàng trong nước đang có cơ hội lớn để cân đối lãi suất cho vay từ việc tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn CASA. Nhờ các dịch vụ ngân hàng số, lượng tiền người dân để trong tài khoản thanh toán ngày càng nhiều, có lãi suất gần như bằng 0, nên sẽ góp phần giảm giá vốn huy động của các ngân hàng.
Trong khi điều hành chính sách, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!