Cục An toàn thông tin cho biết, thủ đoạn của các đối tượng lừa đào là thông qua giả mạo các website của các tổ chức tài chính - ngân hàng. Cụ thể là nhóm tội phạm thường liên hệ với những khách hàng có nhu cầu vay tiền; tư vấn cho khách hàng vay từ 10 - 60 triệu đồng, gửi link website có giao diện giống hoặc gần giống của ngân hàng... hoặc đường link để tải ứng dụng ngân hàng.
Ngoài ra, hình thức giả mạo hỗ trợ xử lý yêu cầu dịch vụ thẻ hoặc sử dụng số điện thoại có tên gần giống ngân hàng hay tổng đài của ngân hàng cũng được các đối tượng lừa đảo sử dụng thường xuyên. Các đối tượng thường sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin in trên thẻ, mã CVV, mã OTP… để thực hiện giao dịch trái phép.
Ngoài ra, một số hình thức lừa đảo phổ biến khác như hỗ trợ cài đặt sinh trắc học, nâng hạn mức thẻ tín dụng, hỗ trợ gói vay ưu đãi, khóa thẻ, ứng lương...
Nhằm tránh những rủi ro mất tài sản và thông tin cá nhân không mong muốn, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin thẻ tín dụng như số thẻ, mã pin, mã CVV/CVC, mã OTP… cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả nhân viên ngân hàng; Không cho bất kỳ ai mượn, sử dụng, sở hữu và quản lý thẻ;
Không chia sẻ mặt trước và mặt sau thẻ, chụp ảnh, lưu ảnh thông tin thẻ trên điện thoại và gửi qua mạng xã hội Zalo, Viber...; Không cho nhân viên thu ngân siêu thị, nhà hàng… cầm thẻ của mình ra khỏi tầm mắt, luôn thực hiện thanh toán thẻ trước mặt và trong tầm kiểm soát.
Và đặc biệt, các ngân hàng khẳng định tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ tín dụng như trên qua điện thoại, SMS hay bất cứ website/mạng xã hội nào. Khách hàng cần lưu ý thường xuyên kiểm tra thông báo giao dịch và sao kê tài khoản thẻ tín dụng qua tính năng quản lý thông tin hoặc giao dịch thẻ qua ứng dụng ngân hàng số và tin nhắn SMS.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!