Các gói cứu trợ nền kinh tế, vay mượn của doanh nghiệp và hộ dân khiến khối nợ toàn cầu chiếm 265% GDP trong năm 2020. (Ảnh: Nikkei Asia)
Báo cáo mới nhất của S&P Global cho rằng khối nợ toàn cầu sẽ chạm mốc 200.000 tỷ USD. Con số này tương đương 265% GDP toàn thế giới trong năm nay.
Theo S&P Global, tỷ lệ nợ gia tăng mạnh do hai yếu tố, đó là GDP giảm vì COVID-19 và các chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình đều đang tăng cường vay mượn để đối phó với ảnh hưởng của đại dịch.
Báo cáo nhận định tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu đã có xu hướng tăng nhiều năm qua. Đại dịch chỉ đẩy nhanh quá trình này.
Các chuyên gia của S&P cũng cho rằng, có thể có một làn sóng vỡ nợ trong năm tới, tuy nhiên khủng hoảng nợ sẽ chưa xảy ra trong ngắn hạn, nhờ vào việc kinh tế dần hồi phục, triển vọng vaccine và hoạt động cho vay chậm lại.
Hãng S&P Global dự đoán khi kinh tế toàn cầu quay về quỹ đạo cũ sau đại dịch, nợ trên GDP sẽ giảm về 256% năm 2023.
"Chúng tôi cho rằng tăng trưởng nợ của các doanh nghiệp, chính phủ và hộ gia đình sẽ giảm, do việc này thường xảy ra khi suy thoái qua đi", S&P Global kết luận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!