Bà Roeurn Reth lo sợ sẽ phải bán đất để trả nợ. Từ 3.000 USD vay nặng lãi cho đám cưới của con trai, hiện số nợ bà phải trả đã tăng hơn gấp đôi, khoảng 7.000 USD.
"Khi họ đến, họ yêu cầu chúng tôi bán ruộng để trả nợ. Tôi rất lo lắng, không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ cho họ", bà Roeurn Reth bày tỏ.
Campuchia ghi nhận khoảng 300 ca nhiễm COVID-19, nhưng đại dịch đã buộc hàng chục ngàn người lao động di cư nước này tại Thái Lan phải về nước. Con trai bà Reth nằm trong số này. Trước đây, họ còn gửi tiền về cho mẹ trả nợ, nhưng giờ, họ không có việc làm, tiền ăn còn khó nói gì đến trả nợ.
Bà Roeurn Reth lo sợ sẽ phải bán đất để trả nợ.
"Trước đây, nợ đã là một vấn đề phức tạp. Với đại dịch COVID-19, đặc biệt với người dân nông thôn ở vùng lũ, họ phải đối mặt với khó khăn gấp đôi", ông Am Sam Ath, chuyên gia độc lập, nhận định.
Hơn 2,6 triệu người Campuchia có câu chuyện nợ nần giống như bà Roeurn Reth. Khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng khiến họ phải tìm đến những người cho vay nặng lãi với mức lãi suất cắt cổ, lên đến 30% một năm. Không trả được nợ, họ lại vay tiếp chủ nợ khác và cứ thế mắc kẹt trong vòng quay nợ nần.
Khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng khiến nhiều người dân Campuchia phải tìm đến những người cho vay nặng lãi.
"Có nhà vay ít, có nhà vay nhiều, 20.000 USD, 10.000 USD hay 5.0.000 USD. Nhiều người không trả được nợ đã phải bán đất, bán nhà, mất bò, mất ruộng", ông Dorm Deam, Trưởng làng Trapeang Veng cho hay.
Trong sự tuyệt vọng, bà Reth và chồng đã rời làng lên thủ đô tìm việc trong các công trường xây dựng, nhưng họ cũng bị từ chối do vấn đề tuổi tác. Bà Reth lo lắng nếu lần sau chủ nợ đến, không biết họ có còn giữ được nhà được đất hay không?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!