Ngày 26/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Nghị quyết xử lý nợ xấu. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước "tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng ở mức an toàn dưới 3% tổng dư nợ". Vậy, con số nợ xấu thực sự của toàn nền kinh tế có phải đang ở dưới mức an toàn 3% hay không?
Cụ thể, nợ xấu là 2,55%, đảm bảo an toàn dưới mức trần 3%. Nhưng, đó chỉ những khoản nợ xấu chưa được xử lý nằm tại hệ thống các tổ chức tín dụng. Còn nếu tính thêm những khoản nợ xấu TCTD đã bán cho công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC, con số này là 5,8%. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu chiếm đến 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Như vậy, nợ xấu là 10,08% chứ không phải 2,55%, tức là gấp 4 lần con số mà mọi người thường được biết đến. Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết một trong những nguyên nhân lớn nhất nằm ở nút thắt trong xử lý tài sản bảo đảm.
Trước những vướng mắc hiện nay, Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được đưa vào thảo luận tại Quốc hội lần này nhằm tạo một cơ chế đặc thù để xử lý "cục máu đông" này.
Một số điểm mới đáng chú ý là: Ngân hàng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; được bán nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ.
Với khá nhiều cơ chế đặc thù này, phiên thảo luận tại tổ về Nghị quyết nợ xấu chiều ngày 26/5 cũng đã thu hút được sự tranh luận sôi nổi của các đại biểu Quốc hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!