Nới hạn mức tín dụng, mở rộng cửa cho vay sản xuất kinh doanh
Chiều 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với các tổ chức tín dụng và quyết định nới chỉ tiêu tín dụng cả năm thêm 1,5 - 2%. Theo ước tính của Chứng khoán SSI, tương đương sẽ có thêm khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng nữa sẽ được bơm ra nền kinh tế trong tháng 12.
Mặc dù chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là kết thúc năm nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định mở hạn mức tín dụng, khi áp lực lạm phát đã dịu bớt. Mục tiêu là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn, nhu cầu chi trả của người dân, doanh nghiệp trong dịp cuối năm này.
Thời gian qua, đã có một số trường hợp doanh nghiệp chia sẻ là gặp khó về vốn khi các ngân hàng cạn room cho vay. Vì vậy, quyết định nới hạn mức cho vay lần này được các doanh nghiệp đón nhận khá tích cực.
Nới hạn mức tín dụng này sẽ giải quyết phần nào nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Công ty CP Ameii Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị các đơn hàng xuất khẩu mía cấp đông sang thị trường Mỹ của doanh nghiệp này. Dịp cuối năm nhu cầu thị trường tăng cao 30%, chính vì thế nhu cầu nguồn vốn của doanh nghiệp cũng tăng theo. Theo đại diện doanh nghiệp việc nới room tín dụng của các ngân hàng thời điểm này hỗ trợ rất lớn vào việc thúc đẩy việc hoàn thành các đơn hàng một cách nhanh nhất, đáp ứng nguồn hàng cho dịp cuối năm.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp, họ thường xuyên duy trì tỷ lệ vốn lưu động từ 20 - 30% tổng vốn của doanh nghiệp và nguồn này là vay từ ngân hàng. Dự kiến thời gian tới, họ đẩy mạnh xuất khẩu một số nông sản để phục vụ dịp lễ cuối năm, sang thị trường như Mỹ, Trung Quốc…
Nhiều doanh nghiệp khác cũng chia sẻ nguồn vốn tín dụng còn giúp họ chi trả nhiều nhu cầu khác như lương thưởng cuối năm, hay ứng trước tiền nguyên liệu để kịp cho những đơn hàng xuất khẩu đầu năm tới.
Ông Trần Thanh Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và thiết bị Bilico cho hay: "Chính sách nới room tín dụng để các ngân hàng giải ngân cho chúng tôi sẽ giải quyết được khoảng 15 - 20% dòng tiền cần trong thời gian cuối năm. Sau Tết nữa mất 1 - 2 tháng doanh nghiệp mới có thể vận hành trở lại, trong khi 1 tháng đó không có doanh thu thì dòng tiền tiếp cận từ ngân hàng là rất cần thiết cho các doanh nghiệp".
Nhiều doanh nghiệp cho biết nhu cầu vốn tháng cuối năm có thể tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi so những tháng trước đó. Vì thế đợt nới hạn mức tín dụng này sẽ giải quyết phần nào nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Đảm bảo an toàn, hiệu quả dòng vốn tín dụng
Tín dụng đã được nới thêm nhưng liệu có gì đảm bảo là dòng vốn này sẽ được chảy vào đúng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, không phải các lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay chứng khoán? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Khó có thể chắc chắn 100% nhưng Ngân hàng Nhà nước có những công cụ quản lý để điều tiết dòng vốn. Ngay khi nới room, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn hạn mức được cấp thêm, để tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến cuối tháng 10, tín dụng với các lĩnh vực ưu tiên đang có mức tăng trưởng tốt. Ví dụ như tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 10,93%, chiếm 25% dư nợ chung toàn nền kinh tế. Vốn cho công nghiệp hỗ trợ tăng gần 13%, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng 6,88%.
Việc phân bổ vốn vào đâu, cho vay với lãi suất thế nào, chất lượng khoản vay ra sao, đều được xem là những tiêu chí quan trọng để Ngân hàng Nhà nước đánh giá xếp hạng các ngân hàng khi xem xét cấp hạn mức.
Đợt này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nêu nguyên tắc là các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Vì vậy, các ngân hàng sẽ phải nắn chỉnh dòng vốn phù hợp theo định hướng chung.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động. Ảnh minh họa.
Ngân hàng LienVietPostBank mới được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 1,7%. Nguồn vốn được tăng thêm sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho sản xuất kinh doanh.
Cuối năm thường là cao điểm sản xuất kinh doanh nên động thái nới room lần này sẽ tạo đà tiếp tục cho phục hồi kinh tế. Điều quan trọng, các ngân hàng phải cân đối vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản khi cho vay.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản kỳ hạn dài hơn, kể cả qua Tết để các tổ chức tín dụng yên tâm hơn khi cho vay.
Vốn tín dụng tăng thêm sẽ góp phần quan trọng, đáp ứng nhu cầu vốn, chi trả, thanh toán cuối năm cho người dân, doanh nghiệp. Song song với đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần có những giải pháp phát triển đồng bộ thị trường vốn, cả tín dụng, chứng khoán, trái phiếu để tạo nguồn vốn bền vững, phục vụ cho phát triển kinh tế, theo đúng định hướng của Chính phủ.
Nới room tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng VTV.vn - Tối 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!