Với tổng diện tích canh tác 3 vụ khoảng 4,2 triệu ha/năm, ĐBSCL cần từ 500.000 - 600.000 tấn lúa giống xác nhận. Dù ngành nông nghiệp đã quan tâm công tác giống cùng mạng lưới các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất phát triển nhanh và mạnh, nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho toàn vùng. Theo đó, ĐBSCL vẫn còn thiếu từ 200.000 - 240.000 tấn lúa giống xác nhận mỗi năm.
Khi dân bị thiếu giống lúa xác nhận phục vụ cho chuyện canh tác, đây cũng là lúc các cơ sở, đại lý kinh doanh lúa giống dùng chiêu trò nhằm trục lợi, tung ra các loại lúa giống giả, lúa giống kém chất lượng. Lúa giống không đảm bảo sẽ dẫn tới chất lượng gạo thấp, không khẳng định được hạt gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên trên thực tế, việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt các cơ sở làm ăn gian dối lại không dễ dàng. Việc kiểm tra, phát hiện đã khó, nhưng chuyện áp dụng chế tài đối với các doanh nghiệp làm ăn gian dối cũng gặp nhiều khó khăn và chưa đủ sức răn đe.
Theo ngành chức năng, rất khó xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra bởi khi chất lượng giống thấp hơn số liệu công bố in trên bao bì thì mới có cơ sở kết luận vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở đều rất tinh vi, dùng rất nhiều hình thức để luồn lách. Trong trường hợp có vi phạm, mức xử phạt tối đa cũng chỉ khoảng 40 triệu đồng.
Từ chuyện khó thanh tra, kiểm tra và xử phạt các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các chuyên gia khuyến cáo bà con nông dân nên chọn mua lúa giống của các công ty lớn có thương hiệu rõ ràng; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm. Có như vậy, áp lực nguồn cung lúa giống mới không còn là nỗi lo của bà con.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!