Nông dân làm giàu từ sản phẩm OCOP

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 19/02/2021 21:16 GMT+7

VTV.vn - Hàng triệu nông dân có thể làm giàu bền vững từ sản phẩm OCOP là động lực để tạo dựng những thương hiệu dù ở quy mô cấp làng, xã nhưng có thể vươn xa nhiều thị trường.

Nông nghiệp là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua. Bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, xuất khẩu nông sản nước ta đạt kỳ tích với kim ngạch 41,2 tỷ USD. Đây đã trở thành lĩnh vực không chỉ thu hút những tập đoàn doanh nghiệp lớn đầu tư, mà ngay cả mỗi hộ dân cũng có thể khởi nghiệp và làm giàu từ chính các sản vật địa phương

Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương cũng là một trong 3 trục sản phẩm quan trọng góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt, trong đó, chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) được tỉnh Quảng Ninh tiên phong triển khai từ 2013 đến nay đã lan rộng ra 63 tỉnh, thành. Đây có thể ví như một hệ sinh thái cho bất cứ người dân nào, ở bất cứ đâu đều có thể phát triển.

Làm giàu từ trà hoa vàng

14 năm trước, ông Nguyễn Văn Trắng - người nông dân dân tộc Sán Chỉ - bén duyên với cây trà hoa vàng chỉ bởi lý do giản dị sợ mất giống trà đặc sản của quê hương.

"Trước kia, cây trà hoa vàng mọc hoang ở các lạch khe. Đến năm 2006, Trung Quốc bắt đầu thu mua cây trà hoa vàng. Họ mua hoa, lá và thân cây. Lần đầu tiên họ mua từ 1,5 - 2 triệu đồng/1kg hoa tươi. Thấy bà con đào cây đi bán cho Trung Quốc rất là nhiều, tôi quyết tâm mua lại của bà con và đồng thời lên rừng đào cây về vừa trồng, vừa bảo tồn cây trà hoa vàng này", ông Nguyễn Văn Trắng nói.

Nông dân làm giàu từ sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Trà hoa vàng hiện là sản phẩm OCOP 5 sao của Quảng Ninh. Ảnh: VOV

Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, ông Trắng đã gặp sự phản đối của gia đình khi đem toàn bộ đất đai bờ xôi ruộng mật đổi lấy đồi hoang để trồng trà. Ngoài ra, cây trà vừa là thức uống vừa là dược liệu nên trồng trà cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc hữu cơ để cây phát triển thuận tự nhiên.

Mất tới 6 năm trà mới cho hoa, quãng thời gian này ông Trắng gọi là "sống trong nguy hiểm". Cuối cùng, cây trà hoa vàng cũng đã không phụ công người chăm bón. Năm 2013, những nụ hoa đầu tiên cũng xuất hiện. Những mẻ trà đầu tiên đã được ra lò. Đó cũng là năm tỉnh Quảng Ninh thực hiện chương trình OCOP - mỗi xã phường 1 sản phẩm.

"OCOP chính thức là đánh thức, là cơ hội đối với tôi. Lần đầu tiên đem bán trà hoa vàng ở hội chợ Hạ Long, chúng tôi đạt doanh thu cao nhất của tỉnh", ông Trắng nói.

15 triệu/kg trà hoa vàng khô là mức giá được duy trì từ đó cho tới nay. Từ 20 ha ban đầu, hiện diện tích trà hoa vàng của huyện Ba Chẽ đã là 320 ha. Trà hoa vàng hiện là sản phẩm OCOP 5 sao của Quảng Ninh.

Từ cây trà, hàng loạt sản phẩm mới cũng đang được chế biến như lá trà để làm matcha trà xanh, các loại bánh trà cũng đã ra đời…

Mục tiêu không bỏ lại ai phía sau

Với việc phát triển sản phẩm, dịch vụ theo 6 nhóm, bao gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải may mặc, đồ lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn... đến nay cả nước đã có 3.400 sản phẩm OCOP, trong đó có 2.400 sản phẩm được tiêu chuẩn hóa và đánh giá xếp hạng 3-4 sao.

Vậy định hướng trên sẽ được tiếp tục như thế nào trong năm nay. Dưới đây là câu trả lời từ phía người đứng đầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tạo môi trường phát triển bền vững cho sản phẩm OCOP

Cá cơm than - loại cá thân nhỏ, thơm ngon và có nhiều chất đạm là nguyên liệu đặc trưng cho nước mắm Phú Quốc - một sản phẩm OCOP nổi tiếng của vùng đất này. Khi cá cơm vẫn còn tươi nguyên ánh xanh dương từ biển lên sẽ được ngư dân sơ chế ngay tại tàu để đảm bảo chất lượng.

Nếu trước đây, mạnh ai nấy làm mỗi người một kiểu thì nay nhiều doanh nghiệp ở Phú Quốc đã xây dựng đội tàu cho riêng mình để chủ động nguồn nguyên liệu. Ngư dân vì thế cũng được đảm bảo cuộc sống.

Nông dân làm giàu từ sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Là một sản phẩm OCOP 4 sao, hiện nước mắm Phú Quốc đã có mặt ở khắp thị trường trong và ngoài nước.

200 năm trước khi khởi nguồn nước mắm Phú Quốc, đến nay vẫn những thùng gỗ bời lời dây mây. Vẫn những giọt nước mắm được ủ chượp một năm trời để ra màu cánh gián đặc trưng của nước mắm Phú Quốc. Tuy nhiên, để giữ được những nét hồn cốt ấy là sự trăn trở của rất nhiều người.

Là một sản phẩm OCOP 4 sao, hiện nước mắm Phú Quốc đã có mặt ở khắp thị trường trong và ngoài nước. Nhưng những người đang đau đáu với nghề truyền thống vẫn đang nỗ lực để đưa nước mắm phú quốc thành sản phẩm OCOP 5 sao để lưu giữ và phát huy hồn cốt, tinh túy truyền thống của cha ông cho những thế hệ sau.

Rõ ràng từng giọt nước mắm, từng bông trà hoa vàng… từng nông sản của địa phương, nhưng nếu biết phát huy giá trị thì nông dân có thể sống tốt và làm giàu từ nông nghiệp.

Trên cơ sở phân chia thành 3 trục sản phẩm quốc gia, địa phương và OCOP, việc tiếp tục có những chính sách phù hợp sẽ là điều kiện để mỗi nông dân đều trở thành một nhân tố trong chuỗi giá trị, từ đó thay đổi tư duy và tạo dựng cách thức làm ăn mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước