Ngày 17/9/2022 là ngày đáng nhớ của bà con trồng sầu riêng trên khắp cả nước, đánh dấu sự kiện hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, từ đây sẽ mở ra cơ hội cho người trồng sầu riêng của Việt Nam trong việc gia tăng xuất khẩu mặt hàng có giá trị này sang thị trường tỷ dân.
Giá sầu riêng thu mua đã tăng mạnh, lên mức 150.000 - 200.000 đồng/kg. Tuy nhiên cũng từ đây, diện tích trồng sầu riêng đã có sự thay đổi từng ngày.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân đã ồ ạt bỏ lúa, mít để trồng sầu riêng. Còn tại Tây Nguyên, sầu riêng cũng đang thay thế nhiều diện tích hồ tiêu, cà phê.
Khi thấy lợi nhuận cao từ cây sầu riêng đem lại, ông Bùi Văn Hải ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk đã không ngần ngại phá bỏ hơn 7 sào cà phê của gia đình để trồng sầu riêng.
Giá sầu riêng thu mua đã tăng mạnh, lên mức 150.000 - 200.000 đồng/kg. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Dù phải hơn 3 năm tới, cây sầu riêng mới cho thu hoạch, nhưng ông Hải vẫn kỳ vọng rất lớn vào loại cây trồng này.
"Hiện tại đang chuyển đổi từ cà phê già cỗi sang trồng sầu riêng. Vì cây này đã được xuất khẩu chính ngạch nên sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao", ông Bùi Văn Hải, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, chia sẻ.
Mặc dù lo ngại sẽ khó tìm được đầu ra trong thời gian tới, tuy nhiên nhiều hộ dân ở Tây Nguyên vẫn tiếp tục mở rộng diện tích vì chạy theo giá cả thị trường.
"Rất là lo ngại vì hiện tại số lượng phát triển nóng sầu riêng nhiều, sản lượng lớn, nên mình cũng lo giá hạ xuống và sẽ không có người thu mua nhưng mọi người làm thì mình cũng làm theo", ông Nguyễn Duy Phương, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, cho biết.
Tại huyện Krông Pắk - địa phương trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, với khoảng 5.000 hecta, trước thực trạng gia tăng diện tích sầu riêng quá nhanh, ngành nông nghiệp địa phương này đã khuyến cáo bà con nên tuân thủ quy hoạch, nếu phát triển thì nên trồng xen canh cà phê, để tránh hệ lụy xấu.
"Cây cà phê huyện vẫn xác định là cây trồng chủ lực, Trong một số năm gần đây, bà con phát triển thêm cây sầu riêng vì giá trị kinh tế cao. Khuyến cáo cho bà con nên phát triển vùng nào có thổ nhưỡng phù hợp, theo định hướng chung và theo nhu cầu thị trường, lâu dài, bền vững", ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, cho hay.
Hiện nay, diện tích sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên tăng khá nhanh, lên đến hơn 40.000 hecta. Với diện tích này, sản lượng và số lượng sầu riêng vùng Tây Nguyên đều đã vượt quy hoạch đề ra. Nguy cơ cung vượt cầu rất dễ xảy ra trong thời gian tới.
Cần siết chặt diện tích sầu riêng
Theo Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sầu riêng cả nước là 65.000 - 75.000 ha. Tuy nhiên con số này hiện đã lên hơn 80.000 ha và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Nếu không sớm có giải pháp, thì sầu riêng sẽ là cây tiếp theo chịu hê lụy của tình trạng trồng - chặt, bởi hiện mới chỉ có 20% sản lượng được vào thị trường Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa có công văn gửi các tỉnh thành phía Nam, yêu cầu nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sầu riêng, không mở rộng tự phát.
"Các địa phương phải vào cuộc, bởi vì trách nhiệm ở đây là trách nhiệm dưới địa phương, mọi hoạt động nông nghiệp hàng ngày diễn ra ở địa phương, phải vào cuộc phải, có thang đo những số liệu thật cụ thể. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định những vùng có thể phát triển sầu riêng bền vững, hệ thống thủy lợi đáp ứng được; đồng thời sẽ liên kết lại các doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu sầu riêng thời gian qua cùng đánh giá về khả năng thị trường để liên kết với các vùng nguyên liệu lớn", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định.
Hệ lụy từ phát triển ồ ạt
Những nơi sầu riêng trồng xen với các cây trồng khác sẽ không được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng. Cứ 3 năm, phía bạn sẽ rà soát một lần, với các mã số được cấp.
Câu chuyện phát triển nóng, ồ ạt khi thấy giá tăng không phải câu chuyện mới của nông nghiệp Việt Nam. Trước sầu riêng, nhiều trường hợp đã phải trả giá đắt cho sự phát triển tự phát của mình.
Từng gây xôn xao cả làng, khi thành tỷ phú nhờ cây cam, vợ chồng bà Lan (Hưng Yên) nay không thể cầm cự với 2 ha cam đang dần thoái hóa. Cây cam từ cây làm giàu nay chỉ còn là thứ bỏ đi.
"Tôi cứ chờ. Như mấy năm trước, cứ đầu mùa thì rẻ, dần dần đến về cuối sẽ đắt lên, nhà tôi sẽ treo đến giáp Tết, nó sẽ đắt lên gấp đôi, nhưng 2 năm nay, càng chờ càng rớt giá thảm hại nên tôi cũng không chờ được nữa", bà Nguyễn Thị Lan, Hưng Yên, chia sẻ.
Ông Tuyên (Hòa Bình) là người trồng cam lâu năm, với diện tích lớn, nhưng 3 năm trở lại đây, diện tích trồng cam của nhà ông đã thu hẹp lại chỉ còn 1/3.
Cam Cao Phong đang vào mùa thu hoạch. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Dưới đất sâu bệnh nhiều nên cây suy giảm, năng suất kém, chất lượng suy giảm", ông Nguyễn Văn Tuyên, Hòa Bình, cho biết.
Cây có múi đang đi vào đúng vết xe của cây hồ tiêu. Bắt đầu từ mức giá 100.000 đồng/kg vào năm 2010, sau đó đạt đỉnh ở mức 230.000 đồng/kg vào năm 2015, nhiều gia đình chỉ qua vài vụ tiêu đã trở thành tỷ phú. Hệ quả là nhiều người đã bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, dồn hết vốn liếng, vay ngân hàng để nhà nhà trồng tiêu.
Nguồn cung dư thừa, hồ tiêu rớt giá, nông dân rơi vào tình cảnh điêu đứng vì nợ nần. Tuy nhiên lỗi chỉ riêng nông dân, mà ngay chính đội ngũ cán bộ cơ sở cũng thiếu những định hướng về thị trường và buông lỏng quản lý.
Trở lại với Cao Phong, Hòa Bình, nơi cây cam từng giúp bao người có nhà lầu xe hơi, nhiều người như ông Phương đã từ bỏ cây cam để về nuôi lợn.
Những bài học nhãn tiền cho thấy rằng, nếu không kiểm soát chặt từ khâu trồng trọt, gắn với chất lượng, chế biến sâu thông qua liên kết sản xuất quy mô lớn giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, trong thời gian tới, trái sầu riêng có nguy cơ rơi vào vòng "được mùa mất giá". Khi đó, chính bà con nông dân vẫn là người chịu thiệt hại nặng nề nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!