Nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản cuối năm
Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản Việt Nam 10 tháng qua tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo 2 tháng còn lại của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng có thể đạt khoảng 5,5 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt mức kỷ lục 62 tỷ USD.
Trong đó, mặt hàng gạo có thế mạnh khi trong 10 tháng xuất gần 7,8 triệu tấn, đạt giá trị 4,86 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12%. Xuất khẩu rau quả, đặc biệt trái cây cũng tiếp tục tăng mạnh.
Xuất khẩu nông sản nhiều thuận lợi cho thấy các chính sách, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung ứng hàng hoá xuất nhập khẩu đã phát huy hiệu quả. Thêm vào đó, chất lượng nông sản nước ta ngày một nâng cao, chinh phục nhiều thị trường khó tính.
10 tháng, Việt Nam xuất gần 7,8 triệu tấn gạo, đạt giá trị 4,86 tỷ USD.
Điểm sáng xuất khẩu rau quả
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả năm nay tiếp tục khởi sắc và có thể vượt mọi dự báo, đạt mốc kỷ lục mới 7,5 tỷ USD, tăng 1,8 tỷ USD so với năm ngoái. Sầu riêng và xoài là 2 nhóm hàng xuất khẩu mạnh với nhiều tín hiệu khả quan.
Sầu riêng là loại trái cây mang lại kết quả xuất khẩu đầy bất ngờ. Dù chính vụ sầu riêng Tây Nguyên kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn có sầu riêng trái vụ cung ứng xuất khẩu. Nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng mạnh nhất, giá sầu riêng tăng cao gấp đôi ngay từ những tháng đầu năm, hiện giữ mức kỷ lục 165.000 đồng/kg.
"Giá sầu riêng khoảng 1 tháng đổ lại nay lên theo từng ngày. Do sản lượng mình năm nay không được nhiều nên giá rất cao", anh Nguyễn Văn Tuấn - xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, Tiền Giang chia sẻ.
Sầu riêng là loại trái cây mang lại kết quả xuất khẩu đầy bất ngờ.
Ông Lài Sau Khình - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tín Đạt, Tiền Giang cho biết: "Chúng tôi rất kỳ vọng vào năm 2024 này khi Nghị định thư của Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục được đàm phán. Từ thị trường của 1,4 tỷ dân, có thể mở thêm những thị trường lớn hơn nữa như Mỹ, Australia và Nhật…".
Xoài cũng là ngành hàng xuất khẩu thế mạnh, đạt kim ngạch khoảng 370 triệu USD mỗi năm. Hàng loạt những lô hàng xoài xuất vào những thị trường lớn khó tính như Mỹ, Australia, Hàn Quốc trong thời gian gần đây là tín hiệu tích cực.
Lô hàng 18 tấn xoài keo sang thị trường Hàn Quốc được Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit mở ra cơ hội xuất khẩu xoài chính ngạch, giúp ổn định sản lượng và nâng cao giá trị trái xoài xuất khẩu.
Ông Huỳnh Văn Minh - Giám đốc Hợp tác xã Long Bình, An Giang cho biết: "Cũng như sự mong đợi của bà con. Thông qua sự kiện này góp phần cho bà con cải thiện, có động lực hướng tới sẽ sản xuất sản phẩm chất lượng, nâng cao số lượng sản phẩm và lan tỏa ra các thị trường thế giới".
Thời điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đang quyết tâm thúc đẩy đà tăng trưởng, tận dụng tối đa lợi thế về thị trường, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tăng giá trị từ thủy sản chế biến sâu
Đối với lĩnh vực thủy sản, đầu tư chế biến sản phẩm giá trị gia tăng đang là hướng đi cấp thiết trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Cà Mau, tỉnh xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất nước luôn đặc biệt chú trọng khai thác ngành kinh tế mũi nhọn theo xu thế tích cực này.
Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, Cà Mau cho biết, sushi tôm là một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của doanh nghiệp này trong 3 năm vừa qua. Đây là sản phẩm cao cấp nhất trong chế biến tôm ở Việt Nam hiện nay. Chế biến sâu đã giúp nâng được giá trị con tôm lên từ 60 - 80% so với giá bán ở thị trường trong nước.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 35 nhà máy xuất khẩu thủy sản với sản lượng chế biến hơn 200.000 tấn/năm. Năm 2000, xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản tinh chế của Cà Mau chiếm khoảng 10% thì nay con số này đã tăng gần 80%.
Không chỉ đối với doanh nghiệp xuất khẩu qui mô, đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, mà hiện tại, nhiều đơn vị kinh tế nhỏ lẻ cũng đang chú trọng khai thác mặt hàng giá trị gia tăng.
Với 4 sản phẩm OCOP 4 sao, trong đó chủ lực là bánh phồng tôm, liên tục 4 năm nay, Hợp tác xã Cái Bát (huyện Cái Nước, Cà Mau) ổn định doanh thu mỗi năm khoảng 5 - 7 tỷ đồng, lợi nhuận ròng hàng năm hơn 1 tỷ.
Đầu tư chế biến sâu, tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu sẽ làm tăng giá trị cho ngành thuỷ sản nói chung, ngành tôm nhiều tiềm năng nói riêng. Việc xây dựng quy hoạch bài bản từ nuôi, chế biến tới xuất khẩu, đặc biệt, quan tâm đầu tư khai thác tối đa giá trị của chuỗi ngành tôm, Cà Mau đang kỳ vọng sẽ đạt kinh ngạch xuất khẩu tôm 2,5 tỷ USD vào năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!