Hàng trăm nghìn tấn thanh long cần tiêu thụ
Cuối tuần qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối với các địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề sản xuất, chế biến nông sản thúc đẩy thị trường nội địa. Diễn đàn tổ chức để đưa ra các giải pháp, thúc đẩy kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng chục nghìn tấn nông sản đang ách tắc tại các cửa khẩu sang Trung Quốc và hàng trăm nghìn tấn nông sản tại vùng trồng đang đến mùa thu hoạch.
Cụ thể, sản lượng thanh long của tỉnh Long An còn khoảng 20 nghìn tấn, tỉnh Bình Thuận dự kiến từ nay đến hết tháng 2 sẽ thu hoạch khoảng 120 nghìn tấn, trong khi phía Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu thanh long của Việt Nam qua các cửa khẩu phía Bắc đến ngày 26/1.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh trên, đây là một áp lực rất lớn đối với các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc và thực tế giá thanh long tại đây cũng đang giảm.
Ngoài thanh long còn nhiều loại nông sản khác như chuối, mít, xoài, chanh leo đang vào mùa thu hoạch tại nhiều địa phương cũng đang gặp khó khi không xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc.
Hàng trăm nghìn tấn thanh long cần tiêu thụ. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
Nhiều doanh nghiệp đứng ra tiêu thụ sản phẩm nông sản
Trước thực tế trên, ngay trong những ngày đầu năm 2022 đã có những tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tiên đứng ra thu mua hỗ trợ người nông dân.
Thị trường trong nước bước vào mùa mua sắm cuối năm, nhu cầu lương thực thực phẩm được dự báo sẽ tăng từ 10 - 15% chính là cơ hội để nông sản khó xuất khẩu có thể được tiêu thụ vào thị trường trong nước, giảm thiểu rủi ro cho bà con và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) hiện mỗi ngày thu mua từ 100 - 150 tấn nông sản các loại, đặc biệt là xoài từ các cửa khẩu phía Bắc, để phục vụ cho dây truyền chế biến của họ. Họ cam kết sẵn sàng thu mua chuối, chanh leo, dứa nếu hàng đảm bảo chất lượng
Ngay trong diễn đàn, công ty Nafood cũng cam kết hỗ trợ cho chanh leo và thanh long. Với các sản phẩm tại cửa khẩu phía Bắc sẽ chuyển về Nghệ An, còn phía Nam sẽ đưa về Long An, sản lượng khoảng 1.000 tấn.
Đặc biệt, các hệ thống siêu thị lớn trong nước như Central Retail, BRG Mart cũng cam kết đưa sản phẩm như thanh long, xoài, mít, dưa hấu vào mạng lưới cửa hàng của họ trên cả nước.
Theo Cục Trồng trọt, trong 3 tháng đầu năm 2022 có khoảng 300 nghìn tấn thanh long cần kết nối tiêu thụ tại các tỉnh Long An, Bình Thuận, Tiền Giang… trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó. Chính vì vậy, ngày 6/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục sẽ có diễn đàn kết nối tiêu thụ dành riêng cho mặt hàng này.
Giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu biên giới các tỉnh phía Bắc
90% hàng nông sản của Việt Nam qua Trung Quốc được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, khiến cho việc xuất khẩu đối mặt với nguy cơ bị gián đoạn. Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện chiến lược "Zero COVID". Đây là nội dung được quan tâm trong buổi làm việc giữa UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh với đoàn công tác của Bộ Công Thương để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn thông quan cho hàng nông sản bị ùn tắc tại cửa khẩu các tỉnh phía Bắc.
Theo UBND thành phố Móng Cái, đây đã là lần thứ 7 phía Trung Quốc siết chặt nhập khẩu nông sản của Việt Nam trong năm nay để thực hiện chiến lược "Zero COVID-19". Vì các lần trước phía Trung Quốc chỉ giảm số lượng các cửa khẩu được thông quan nên lượng nông sản bị ùn tắc không quá nghiêm trọng so với lần này.
UBND thành phố Móng Cái đề xuất nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến là giải pháp lâu dài cho nông sản Việt Nam.
Tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: TTXVN)
Ngoài các biện pháp dài hạn, để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho lái xe và doanh nghiệp, UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các Đồn Biên phòng cung cấp nhu yếu phẩm cũng như thực hiện giảm phí lưu bãi.
"Chúng tôi cũng hỗ trợ mì tôm, nước uống cho lái xe đường dài để bám trụ chờ thông quan. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ giảm phí cho doanh nghiệp và lái xe", ông Nguyễn Hữu Trình - Đồn trưởng Đồn Biên Phòng Vân Thanh cho hay.
UBND các tỉnh cùng Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xây dựng và thúc đẩy mạng lưới tiêu thụ nông sản nội địa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!