Nông sản vùng dịch: Cần giải cứu bài bản, khoa học

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 24/02/2021 21:21 GMT+7

VTV.vn - Tại các vùng trồng trọt, người dân đã có cách thức kiểm soát dịch bệnh rất chặt chẽ, vấn đề hiện nay nằm ở khâu tổ chức vận chuyển tiêu thụ nông sản thế nào cho khoa học.

Sản xuất, thu hoạch đảm bảo an toàn ở vùng dịch

Những ngày qua, rất nhiều người dân đã cùng nhau tiêu thụ nông sản giúp địa phương có dịch COVID-19. Hiện nay, bên cạnh sự chung tay của cộng đồng, bản thân chính quyền và bà con nông dân cũng đang có sự chủ động trong tổ chức sản xuất, thu hoạch để đảm bảo an toàn của nông sản và an toàn dịch bệnh.

Tại Hải Dương, toàn bộ nông sản được vận chuyển đi các nơi tiêu thụ đều là nông sản không phải ở vùng bị cách ly. Những người đi làm đồng không tiếp xúc với những người là F1, F2 và phải đo thân nhiệt trước khi đi làm.

Nông sản vùng dịch: Cần giải cứu bài bản, khoa học - Ảnh 1.

Tại các vùng trồng trọt, người dân đã có cách thức kiểm soát dịch bệnh rất chặt chẽ. Ảnh: Dân trí.

Theo ghi nhận của phóng viên VTV, tại cánh đồng chuyên canh rau của thôn Bái Hạ, xã Toàn Thắng, tuy là cao điểm thu hoạch rau cuối vụ, nhưng lượng người trên đồng rất thưa và tất cả những người thu hoạch đều được trang bị quần áo, găng tay, khẩu trang phòng chống dịch.

Các xe vận chuyển nông sản ở tỉnh khác về sẽ được chuyển hàng ở các nút giao thông tiếp giáp, lái xe không xuống khỏi xe để tránh tiếp xúc và có giấy xét nghiệm SARS-nCoV2 âm tính mới được qua các chốt kiểm soát, xe qua các chốt được khử khuẩn đúng quy định.

Đến nay lượng nông sản vụ đông ở Hải Dương chỉ còn khoảng 15.000 tấn rau quả. Điều cơ bản nhất hiện nay Hải Dương cần vận chuyển khoảng hơn 30.000 tấn cà rốt xuất khẩu đi các nước đã có đơn hàng qua cảng Hải Phòng.

Tổ chức vận chuyển tiêu thụ nông sản thế nào cho an toàn và hiệu quả?

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng dịch trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hải Dương còn triển khai cấp thẻ cho nông dân khi ra ruộng sản xuất. Tại huyện Cẩm Giàng, ai ra đồng phải đăng ký với thôn xóm, ghi rõ giờ đi, giờ về, hết giờ phải về thẳng nhà. 

Như vậy, có thể thấy tại các vùng trồng trọt, người dân đã có những cách thức kiểm soát dịch bệnh rất chặt chẽ, vấn đề hiện nay nằm ở khâu tổ chức vận chuyển tiêu thụ nông sản thế nào cho khoa học, an toàn và hiệu quả. Hà Nội đã có một số giải pháp cho vấn đề này.

Tại hệ thống siêu thị go/BigC Thăng Long, hiện đã có 2 gian hàng đồng hành với nông dân vùng dịch bệnh. Bên cạnh nông sản chất lượng gắn với nhận diện Hải Dương, việc áp dụng chương trình bán hàng với giá ưu đãi đã tạo một không gian mua sắm an toàn, văn minh.

Hiện nhiều siêu thị tại Hà Nội đã có những cách thức kiểm soát vận chuyển nông sản từ vùng dịch thông qua hệ thống xe và lái xe chuyên trách. Khi nông sản về đến kho phải qua một lần kiểm tra nữa. Đây là một hình thức tiêu thụ bài bản trong tình hình dịch bệnh.

Bên cạnh hệ thống siêu thị, những ngày qua tại Hà Nội đã có hàng chục điểm bán mang tính chất giải cứu nông sản tại các vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc tổ chức cũng trở nên bài bản hơn khi nhiều điểm đã có các hộp đựng tiền tự giác, vừa giúp tránh tiếp xúc, không tập hợp đông người.

Nông sản vùng dịch: Cần giải cứu bài bản, khoa học - Ảnh 2.

Nông sản Hải Dương được bày bán tại một số siêu thị. Ảnh: VGP.

Mỗi ngày, 17 tấn rau củ Mê Linh cũng đã được Trung tâm Hỗ trợ phát triển Phụ nữ Hà Nội tổ chức phân phối qua các Hội Phụ nữ quận, huyện. Đây cũng là một cách làm khoa học và hiệu quả.

Trên cơ sở này, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân ở vùng dịch, trong đó ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các biện pháp phòng chống dịch.

Điều cần tháo gỡ hiện nay là việc hỗ trợ lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản các vùng có dịch vẫn còn một số vướng mắc. Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, các chốt, trạm kiểm soát COVID-19 tại các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương.

Trước thực trạng này, Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 901 đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy tiêu thụ nông sản của các tỉnh có dịch. Trên cơ sở này, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn quy trình sản xuất nông, lâm, thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh để hạn chế tối đa tình trạng tồn ứ.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn chỉ đạo thực hiện tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Công văn nêu rõ, các Bộ Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan trên cơ sở báo cáo và kiến nghị của Bộ Công thương, chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Khẩn trương hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và nông sản tại địa phương có dịch COVID-19.

Chính phủ yêu cầu không để ách tắc trong khâu giao nhận, vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Nông dân Hải Dương có thể mất hàng trăm tỷ đồng vì nông sản ùn tắc Nông dân Hải Dương có thể mất hàng trăm tỷ đồng vì nông sản ùn tắc

VTV.vn - Nhiều ha nông sản tại Hải Dương đã đến mùa thu hoạch có nguy cơ thất thu do những vướng mắc trong việc vận chuyển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước