"Nước rút" giải ngân vốn đầu tư công cuối năm

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 10/11/2023 07:08 GMT+7

VTV.vn - Các Bộ ngành, địa phương phải thực sự quyết liệt ở giai đoạn "nước rút" cuối năm để bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Gỡ vướng để tiếp tục giải ngân vốn cho sân bay Long Thành

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 tháng năm nay, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước ước đạt gần 57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo quy định của Luật Đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công chỉ được kéo dài chậm nhất đến 31/1 của năm sau là phải "chốt sổ". Điều này cũng có nghĩa, để hoàn thành mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch của năm nay, trong 3 tháng tới sẽ phải thực hiện ít nhất 38% kế hoạch vốn, tương đương khoảng 270 nghìn tỷ đồng nữa cần được đưa vào nền kinh tế. Trong đó, một phần lớn là cho các công trình giao thông.

Tại phiên thảo luận Quốc hội sáng 9/11, việc giải ngân vốn đầu tư công cho dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cụ thể là liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã thu hút sự quan tâm và bàn luận của các đại biểu Quốc hội. Mục tiêu sớm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, tiếp tục giải ngân vốn để không ảnh hưởng đến tiến độ chung của công trình.

Nước rút giải ngân vốn đầu tư công cuối năm - Ảnh 1.

Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành.

Gia đình ông Phạm Quang Phùng (xã Long An, Huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) là một trong hơn 300 hộ dân có đất nằm trong dự án sân bay Long Thành đến nay vẫn chưa được vào khu tái định cư.

"Sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho Nhà nước để dự án được tiến hành càng nhanh càng tốt, rất mong muốn sớm được nhận tái định cư để ổn định cuộc sống", ông Phùng cho hay.

Ông Huỳnh Công Lập - xã Long An, Huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết: "Mong muốn làm sao các hạ tầng công cộng trong khu tái định cư như trường học, trạm y tế sớm hoàn thành để con cái đi học gần hơn".

Dự án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư sân bay Long Thành do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Theo Nghị quyết 53/2017 của Quốc hội, dự án này phải thực hiện một lần và hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, do chậm tiến độ nên dự án đã không thể giải ngân tiếp. Do vậy, tỉnh Đồng Nai đề xuất được kéo dài niên độ thanh toán đến năm 2024.

Ông Lê Văn Tiếp - Chủ tịch UBND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết: "Khi được chấp thuận chủ trương cho kéo dài niên độ sẽ đẩy nhanh được tiến độ đầu tư các hạ tầng còn lại và hoàn ứng lại phần tiền mà tỉnh đã tạm ứng để bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân".

Qua thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình với việc cần thiết điều chỉnh thời hạn giải ngân đến năm 2024 để việc giải phóng mặt bằng được hoàn thành. Tuy nhiên, nếu đã được Quốc hội cho phép gia hạn thì cần có các biện pháp theo dõi, giám sát, giải ngân vốn một cách quyết liệt, không để xảy ra tình trạng tiếp tục chậm rồi lại trình Quốc hội điều chỉnh ở các giai đoạn tiếp theo.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng: "Vấn đề việc điều chỉnh thời gian của dự án thành phần này đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành dự kiến là sẽ xong vào năm 2025. Điều này cần phải có một sự cam kết thật rõ từ phía Chính phủ".

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết: "Đối với dự án thành phần 2 có 11 công trình tiểu dự án là các công trình trường học, chợ và trung tâm văn hoá trụ sở UBND xã. Nhưung đến nay mới có 3 trong số 11 công trình đã hoàn thành. Bởi vậy, tôi đề nghị cần khẩn trương hoàn thiện tất cả các công trình thuộc dự án thành phần 2 để cuộc sống người dân thực sự đi vào ổn định".

Bên cạnh việc thúc đẩy giải ngân cho các hạng mục giải phóng mặt bằng thì các công trình chính như đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay và đặc biệt là nhà ga hành khách cũng đang được gấp rút thi công ngày đêm.

Hiện công trình nhà ga chính được xem là nơi thi công sôi động nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau gần 2 tháng khởi công cho đến thời điểm này hàng trăm máy móc và hàng nghìn công nhân đã được huy động ra công trường với mục tiêu vướng đến đâu, gỡ đến đó để đảm bảo tiến độ cho siêu dự án này.

Cao tốc Bắc - Nam giải ngân 44.500 tỷ đồng trong 10 tháng

Bên cạnh sân bay Long Thành, một "đại dự án" khác cũng đang được đẩy mạnh giải ngân là cao tốc Bắc - Nam. 10 tháng năm nay, số tiền đã giải ngân cho dự án đã đạt 44.500 tỷ đồng.

Con số giải ngân này liên quan đến cả 2 giai đoạn của dự án. Trong đó, giai đoạn 1 giải ngân được gần 11.300 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch năm nay. Còn giai đoạn 2 giải ngân hơn 33.200 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch. Đặc biệt, các đoạn có tỷ lệ giải ngân cao nhất là Cần Thơ - Hậu Giang và Vũng Áng - Bùng.

Để có được kết quả giải ngân tốt, cách thức xây dựng kế hoạch giải ngân đã được Bộ GTVT thay đổi. Thay vì trước đây, kế hoạch giải ngân dựa tiến độ thi công thì năm nay, các chủ đầu tư sẽ phải làm ngược lại đó là xây dựng kế hoạch giải ngân trước, từ đó làm cơ sở xây dựng tiến độ thi công phù hợp và đảm bảo giải ngân đúng kế hoạch đặt ra.

Địa phương quyết liệt giải ngân đầu tư công

Không chỉ các dự án ở quy mô quốc gia, hiện áp lực giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương cũng đang được đặt lên hàng đầu. Như tại TP Hồ Chí Minh, một trong những địa phương được giao lượng vốn đầu tư công lớn nhất cả nước, vào khoảng 68 nghìn tỷ đồng. Tinh thần không để dự án nào có tỷ lệ giải ngân cả năm dưới 80% đang đươc hiện thực hóa bằng nhiều giải pháp cụ thể.

Thường xuyên đến trực tiếp nhà dân thuộc diện bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đầu tư công để vận động, nắm bắt và giải quyết các kiến nghị... là cách làm của chính quyền quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Nhờ vậy mà các dự án trọng điểm tại quận đã đạt tỷ lệ chi cho công tác giải tỏa đạt trên dưới 50% tiếp tục được thành phố giao thêm vốn để thực hiện dự án.

Ước tính hết tháng 10, TP Hồ Chí Minh đã giải ngân được khoảng 24.200 tỷ đồng đầu tư công đạt tỷ lệ khoảng 35% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Nước rút giải ngân vốn đầu tư công cuối năm - Ảnh 2.

Không chỉ các dự án ở quy mô quốc gia, hiện áp lực giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương cũng đang được đặt lên hàng đầu. Ảnh minh họa.

Hiện chính quyền đã xác định sẽ có khoảng 12.000 đến 14.000 tỷ đồng có khả năng sẽ khó giải ngân theo kế hoạch ban đầu. Do đó cần tính toán lại, điều chuyển cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt hơn.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết: "Dự án không có khả năng giải ngân thì có thể điều hòa sang các dự án có thể giải ngân tiếp. Tập trung vào các công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vì công tác này thường rơi cao điểm vào cuối năm. Hy vọng là chúng ta sẽ đẩy được tỷ lệ giải ngân đầu tư công".

Lãnh đạo chính quyền thành phố cho biết đến nay đã có gần 480 dự án đầu tư công giải ngân được trên 95%. Còn với các dự án có khó khăn khách quan và lý do chính đáng, chủ đầu tư cũng cần triển khai giải pháp để tỷ lệ giải ngân không dưới 80%.

Năm nay, với số vốn đầu tư công cần giải ngân là hơn 710 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng so với năm ngoái, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương sẽ phải thực sự quyết liệt ở giai đoạn "nước rút" cuối năm này, để vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân cao, vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả các công trình, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của cả năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước