Theo kết luận mới đây của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển, phát triển kinh tế 4 tháng đầu năm đã cho thấy nhiều kết quả tích cực, nhất là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được đảm bảo. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép.
Sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp thông qua số liệu: gần 99.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường 5 tháng đầu năm, là tháng đầu tiên con số này cao hơn tổng số doanh nghiệp rút lui. Số vốn đăng ký thành lập 5 tháng cũng đạt hơn 601.000 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Cho thấy sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp về đà phục hồi tăng trưởng là minh chứng rõ nét cho sự tin tưởng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và đà phục hồi tăng trưởng những tháng cuối năm, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều thách thức và biến động.
Trước tiên là lạm phát, tác động trực tiếp tới túi tiền của người dân và doanh nghiệp. Nếu nhìn vào tốc độ tăng của CPI tháng 4 chỉ vỏn vẹn 0,07% so với tháng trước, và mức tăng tháng 5 cũng được dự báo tương tự, thì có thể thấy diễn biến lạm phát vẫn đang nằm trong kịch bản đặt ra.
"Từ giờ tới cuối năm mặt bằng CPI sẽ duy trì khá ổn định. Thịt lợn ở giá 70.000/kg theo doanh nghiệp có thể là vùng đỉnh. Về nguyên nhiên liệu thì giá dầu trên thế giới cũng đã có mức điều chỉnh nhất định", ông Vũ Đức Nam - Sáng lập ART Investor nhận định.
Tiếp theo là tỷ giá. Nếu so với khu vực thì mức giảm giá của tiền VND so với USD vẫn còn khá khiêm tốn. Cá biệt có yên Nhật mất giá tới gần 11%. Và nếu nhìn lại, thì tỷ giá của chúng ta đã bắt đầu có phần chững lại từ giữa tháng 4.
Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank cho biết: "Chúng ta đã giữ được mức độ ổn định tương đối tốt. Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các công cụ phối hợp khá nhịp nhàng để xử lý chênh lệch lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng đã được đẩy lên để không tạo ra chênh lệch quá với lãi suất USD. Sau đó là những công cụ về OMO, những hoạt động bơm hút tiền hay bán ngoại tệ để giúp bình ổn thị trường. Chúng tôi cho rằng chúng ta đã làm khá tốt đến thời điểm tháng 5 này".
Và cuối cùng là tăng trưởng. Trong bối cảnh thế giới còn bất định, thì từ khoá "ổn định", ổn định lạm phát, ổn định tỷ giá, ổn định chính sách tiền tệ, và ổn định chính sách tài khoá, tất cả kiên định theo hướng hỗ trợ nền kinh tế, thì đó sẽ chính là động lực cho sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp ngay lúc này, tạo đà tăng trưởng bứt phá khi doanh nghiệp thực sự phục hồi.
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dùng nguồn tăng thu, vượt thu để đầu tư hệ thống đường cao tốc, đầu tư sân bay, bến cảng, các công trình điện, đầu tư các công trình cho quốc gia".
Giảm 2% VAT đến hết năm: Hỗ trợ kích cầu sản xuất, tiêu dùng
Giảm 2% VAT đến hết năm hỗ trợ kích cầu sản xuất, tiêu dùng
Một trong những giải pháp trọng tâm được Thủ tướng yêu cầu trong những tháng cuối năm là điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất theo thẩm quyền việc giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công; nghiên cứu phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nhà ở xã hội.
Và một trong những chính sách tài khoá đang được chờ đón cho 6 tháng cuối năm, đó là tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Và chắc chắn, đây sẽ là cú hích hỗ trợ kích cầu sản xuất, tiêu dùng.
Hầu hết các sản phẩm trong giỏ hàng của bà nội trợ đều nằm trong danh mục hàng hóa được giảm 2% thuế VAT. Dù việc giảm thuế này chỉ giúp chị tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ trên mỗi hóa đơn, nhưng lại tạo tâm lý phấn khởi trong mỗi lần đi mua sắm.
"Người tiêu dùng phải đóng thuế cái mà mình mua, giảm 2% là giảm cho mình, quá sướng", bà Đoàn Thị Thùy Linh, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Vừa sản xuất, vừa phân phối nên các doanh nghiệp bình ổn thị trường rất ủng hộ chủ trương giảm 2% VAT. Bởi sau 3 lần triển khai, cả chuỗi cung ứng, từ đầu vào đến đầu cuối đều được hưởng lợi từ chính sách.
Ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản cho biết: "Doanh nghiệp sẽ lấy 2% này để đưa vào ngân sách để đầu tư cho chương trình giảm giá cho người tiêu dùng. Hưởng lợi là người tiêu dùng. Nhà nước đầu tư này là đầu tư cho người tiêu dùng, kích cầu, tăng chi tiêu".
Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, nếu đề xuất giảm VAT đến hết năm, sẽ giúp doanh nghiệp tự tin lên các chương trình khuyến mãi kích cầu. Thực tế, nhiều loại dịch vụ trong các chương trình tour đều được hưởng lợi từ việc giảm thuế, giúp giá cả ổn định.
"Giá thành giảm đi đáng kể, từ việc khách hàng lựa trọn những chương trình tour trước đây là phải chọn tour đi dài ngày mới được giảm, thì chương trình tour trong ngày cũng được giảm nhờ giá thành xe, ăn uống và nhiều loại dịch vụ cũng có giá tốt hơn", ông Trần Quang Duy - Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ Hành Chim Cánh Cụt cho hay.
Hơn 47.000 tỷ đồng - là số tiền người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được, cũng là con số ngân sách giảm thu trong năm 2024 nếu kéo dài chính sách giảm 2% VAT đến hết năm. Các chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế này cùng các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác, sẽ tạo điều kiện giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tạo thêm việc làm. Từ đó nuôi dưỡng nguồn thu.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết: "4 tháng vừa qua, việc doanh nghiệp mới thành lập hoặc doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất thì cũng bù lại cho ngân sách khi giảm VAT. Ngoài ra còn tăng tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn trong kinh doanh khi giảm VAT. Bằng con đường khác sẽ đóng góp lại cho ngân sách".
Chuyên gia cũng nhận định, nửa cuối năm sẽ là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, hoàn thành mục tiêu đặt ra. Việc sớm quyết định thực hiện chính sách sẽ giúp doanh nghiệp có thêm trợ lực để kéo giảm giá đầu vào, tạo dư địa giảm giá bán, từ đó lên chương trình kích cầu cho cao điểm mua sắm cuối năm.
Những chính sách tài khoá và tiền tệ phù hợp sẽ tạo điều kiện cho tiêu dùng tiếp tục gia tăng trong những tháng cuối năm, tạo động lực cho nền kinh tế. Trong khi đó, đầu tư từ vốn FDI tháng 5 cũng ghi nhận vốn điều chỉnh tăng vọt 800 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm. Giải ngân vốn đầu tư công tới 10/05 đã đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng, cao hơn cả về giá trị tuyệt đối và tương đối so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, đầu tư - xuất nhập khẩu - và tiêu dùng, tạm gọi là cỗ xe tam mã của nền kinh tế, đều đang tăng tốc.
Liên quan tới chính sách tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu công tác điều hành nửa cuối năm cần có sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hài hoà với chính sách tài khoá, bám sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục phấn đấu giảm 1- 2% lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, hay nhà ở xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!