Ông Abe từ chức, dấu chấm hết cho Abenomics?

Thùy An-Thứ bảy, ngày 29/08/2020 06:35 GMT+7

VTV.vn - Chiến lược kinh tế Abenomics có thể sẽ bị chững lại sau khi ông Abe Shinzo tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe.

Hãng thông tấn Reuters dẫn lời nhiều nhà quan sát Nhật Bản nhấn mạnh đến những thách thức mà ông Abe phải đối mặt trong nỗ lực kéo nền kinh tế thoát khỏi trì tệ trong hàng thập kỷ qua.

Theo Reuters, các nhà phân tích nhận định: Đại dịch COVID-19 có thể là "chiếc đinh cuối cùng đóng vào chiếc quan tài" cho chương trình cải cách "ba mũi tên" khi nền kinh tế hàng đầu châu Á ngày càng lún sâu vào suy thoái.

Sau khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012, ông Abe đang triển khai hệ thống chính sách cải tổ mang tên Abenomics với 3 mục trọng tâm gồm: Nới lỏng tiền tệ, nới lỏng tài khóa và cải cách kinh tế. Các biện pháp triển khai cụ thể của học thuyết này nhằm mục tiêu phục hồi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sau nhiều năm tăng trưởng âm và giảm phát liên tục.

Ông Abe từ chức, dấu chấm hết cho Abenomics? - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thông báo quyết định từ chức vào chiều qua 28/8 (Ảnh: AP)

Những thành công của Abenomics

Các chương trình kích thích của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã giúp vực dậy tâm lý của các chủ doanh nghiệp, đồng Yên giảm giá làm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Nhật Bản, tạo ra nhiều việc làm mới.

Bên cạnh đó những cải cách trong quản trị đã giúp các công ty Nhật thu hút dòng tiền từ nước ngoài, đẩy tỷ lệ sở hữu nước ngoài với cổ phiếu niêm yết ở Nhật lên mức kỷ lục 31,7% vào năm 2014 từ 28% vào năm 2012. Vào năm 2019, con số lnaft là 29,6%.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ông Abe sau khi từ nhiệm sẽ để lại nhiều công việc còn đang dang dở cho người kế nhiệm.

Ông Abe từ chức, dấu chấm hết cho Abenomics? - Ảnh 2.

Quyết định từ chức của ông Abe Shinzo đặt một dấu hỏi lớn về Abenomics trong thời gian tới

Ông Takeshi Minami, kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin cho biết: "Trọng tâm lúc này sẽ là phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 song song với việc kiểm soát sự lây nhiễm. Đây là công việc cấp bách bất kể ai sẽ là Thủ tướng tiếp theo của nước Nhật".

"Có một số ý kiến cho rằng, Abenomics đang có những tác động tiêu cực. Vì thế, tôi nghĩ, lúc này, quan trọng là những đề xuất về cách thay đổi nó", ông Takeshi Minami nói thêm.

Thất vọng lớn nhất với Thủ tướng và nhiều nhà quan sát Nhật Bản là những mũi tên cải cách nhằm định hình lại nền kinh tế Nhật Bản vấp phải nhiều khó khăn như năng suất lao động thấp, dân số già, thị trường lao động cứng nhắc.

Ông Brian Kelly, của qũy Asian Century Quest cho hay: "Abenomics đã thất bại trong việc đem lại những điều kiện trong nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản".

Cú đánh mang tên COVID-19

Với đại dịch COVID-19, kinh tế Nhật Bản đang hứng chịu những hậu quả lớn khi những lợi ích ngắn hạn do Abenomics mang lại bị "xóa sổ" như sự bùng nổ du lịch trong nước, tăng trưởng ổn định và hay số việc làm tăng lên.

Việc các công ty tích trữ tiền mặt, với cái cớ như một bộ đêm thanh khoản để vượt qua đại dịch, thay vì chi tiêu cho các cơ hội kinh doanh mới có thể kìm hãm sự đổi mới và đè nặng lên tiềm năng tăng trưởng. Đây là những yếu tố mà ông Abe tập trung giải quyết thông qua mũi tên thứ 3.

"COVID-19 có thể đã trấn an các giám đốc điều hành rằng, tiền mặt thực sự là vua. Nỗi sợ của tôi là các công ty sẽ có xu hướng tiết kiệm hơn là chi tiêu", ông Hideo Hayakawa, thành viên cấp cao tại Tổ chức Nghiên cứu Chính sách Tokyo cho biết.

Ông Abe từ chức, dấu chấm hết cho Abenomics? - Ảnh 3.

Kinh tế Nhật Bản suy giảm đến 27,8% trong quý II vừa qua (Ảnh: Mancini)

Các nhà phân tích lo ngại, các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của virus có thể làm tê liệt tiềm năng tăng trưởng, vốn đã ở mức thấp. Đại dịch COVID-19 cũng khiến việc tiếp nhận lao động nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động kinh niên ở trong nước bị chậm trễ.

Theo ước tính của Ngân hàng trung ương Nhật BOJ, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Nhật Bản, từng vượt quá 4% trong những năm 1980, đã giảm xuống gần 0%, so với mức 1% trước khi Abenomics bắt đầu.

Ngày 17/8 vừa qua, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã công bố báo cáo sơ bộ về tình hình kinh tế nước này, theo đó trong quý II/2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã giảm tới 27,8% so với quý trước đó, chủ yếu do tác động của dịch COVID-19. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất của kinh tế Nhật Bản kể từ khi thống kê số liệu GDP vào quý II/1980.

Kể từ cuối năm 2018, nền kinh tế Nhật Bản đã bắt đầu gặp nhiều khó khăn do các tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Kinh tế bắt đầu lao dốc sau khi Chính phủ Nhật Bản nâng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào đầu tháng 10/2019. Trong quý cuối của năm 2019, GDP thực tế của Nhật Bản đã giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, giai đoạn tồi tệ nhất đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới chỉ bắt đầu sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản vào giữa tháng 1 năm nay. Hệ quả là trong quý I/2020, nền kinh tế này đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật khi GDP thực tế giảm 3,4%.

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý II/2020, chi tiêu dùng cá nhân giảm tới 8,2% so với quý trước đó, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sụt giảm tới 18,5%, trong khi kim ngạch nhập khẩu chỉ giảm 0,5%. Chi tiêu vốn cá nhân, một trụ cột quan trọng khác của nhu cầu trong nước, giảm 1,5%.

GDP danh nghĩa (không tính biến động giá cả) của Nhật Bản trong quý II/2020 giảm 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 7,4% so với quý trước đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước