OPEC+ trước nguy cơ rạn nứt

Anh Phương (PV Đài THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ ba, ngày 31/12/2019 10:29 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Venezuela Manuel Quevedo, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman Al Saud và Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của Opec tại Vienna. Ảnh: Reuters.

VTV.vn - Trong bối cảnh hiện nay, theo hãng Thông tấn Kuwait, bản thân nhiều quốc gia OPEC cũng đang nhìn thấy rõ họ sẽ sớm không còn có thể dựa vào dầu và khí đốt được nữa.

OPEC+ hay OPEC mở rộng là cơ chế hợp tác giữa 14 quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với 10 quốc gia không thuộc OPEC nhưng là những nhà xuất khẩu dầu lớn của thế giới.

Cơ chế này được hình thành kể từ cuối năm 2016 và từ đó đến nay được xem là cứu cánh cho một OPEC đã mất khả năng chi phối trên thị trường dầu, trước sự nổi lên của dầu khí đá phiến.

Vậy nhưng sau 3 năm, vào những ngày cuối năm 2019, OPEC+ đang phải đối mặt với những dấu hỏi lớn về tương lai của mình.

Còn nhớ giai đoạn trước năm 2016, giá dầu tụt dốc không phanh, xuống đến quanh ngưỡng 30 USD/thùng. Sau đó, OPEC+ hình thành, dần vực dậy giá dầu, giờ đây trở lại ngưỡng 60 USD/thùng. Nhưng liệu mức giá này sẽ còn giữ được bao lâu khi bản thân OPEC+ đang đứng trước những dấu hỏi lớn về tương lai?

Báo Gulf News (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) trích tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga nhấn mạnh, OPEC+ sẽ không thể cắt giảm mãi mãi. Theo đó, Nga có thể sẽ rút ra khỏi thỏa thuận cắt giảm của OPEC+ trước lo ngại nếu cứ tiếp tục thắt chặt van dầu thì sẽ ngày càng đánh mất thị phần. Trang báo cũng trích lời một quan chức của tập đoàn năng lượng Nhà nước Nga Rosneft, chỉ trích thỏa thuận cắt giảm của OPEC+, cho rằng nó chỉ phục vụ lợi ích của Saudi Arabia, quốc gia lãnh đạo trên thực tế của OPEC.

OPEC chiếm 35% sản lượng dầu của thế giới. Nhờ có liên kết với 10 quốc gia không thuộc OPEC, mà thực ra, chủ yếu là nhờ liên kết với Nga, OPEC+ nay chiếm 55% sản lượng dầu toàn cầu. Tuy nhiên, những tuyên bố mới đây của Nga khiến người ta không khỏi hoài nghi về nguy cơ rạn nứt của tổ chức này.

Đáng nói hơn, những bất đồng không chỉ đến từ phía Nga. Ở chiều ngược lại, báo The National (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cho biết, Saudi Arabia mới đây cũng tuyên bố sẽ không dung thứ cho bất cứ một vi phạm thỏa thuận cắt giảm nào. The National dự báo những căng thẳng sẽ còn tiếp tục đè nặng lên OPEC+ khi những kết quả ban đầu của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung dự kiến sẽ lại thúc đẩy hơn nữa sản lượng dầu khí đá phiến.

Theo thỏa thuận mới đạt được, OPEC+ sẽ cắt giảm 2,1 triệu thùng/ngày kể từ năm 2020. Nhiều quốc gia trong OPEC+ cho rằng đây là mức cắt giảm quá lớn, họ không thể cứ giữ dầu trong kho mà không bán ra thị trường. Đặc biệt, khi rõ ràng giá dầu đang không tuân theo kỳ vọng mà một số quốc gia, đặc biệt là Saudi Arabia đặt ra.

Bản thân báo Arab News (Saudi Arabia) cũng phải thừa nhận, OPEC và các đồng minh sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong năm 2020. Dù cắt giảm nhưng giá dầu cũng chỉ có thể đạt tới khoảng 62 USD/thùng trong năm 2020, bởi đơn giản, thị trường dầu đang quá dư thừa.

Trong bối cảnh hiện nay, theo hãng Thông tấn Kuwait, bản thân nhiều quốc gia OPEC cũng đang nhìn thấy rõ họ sẽ sớm không còn có thể dựa vào dầu và khí đốt được nữa. Với dầu khí đá phiến, đây sẽ tiếp tục là thách thức với OPEC trong vòng 5 năm tới.

OPEC+ họp bàn cắt giảm sản lượng khai thác dầu OPEC+ họp bàn cắt giảm sản lượng khai thác dầu Ecuador tuyên bố rút khỏi OPEC Ecuador tuyên bố rút khỏi OPEC OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu năm 2020, cảnh báo nguy cơ dư cung OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu năm 2020, cảnh báo nguy cơ dư cung

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước