Việc Mỹ đạt được thỏa thuận với Canada đồng nghĩa với việc thỏa thuận NAFTA giữa Mỹ, Mexico và Canada kéo dài gần 25 năm qua với tổng giá trị trao đổi thương mại lên tới 1.200 tỷ USD được cứu vãn. Theo nhiều chuyên gia, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được coi là hưởng lợi nhiều nhất từ thành quả này.
Thủ tướng Canada Justine Trudeau chỉ chia sẻ rất ngắn gọn với báo giới rằng đây là một ngày tốt cho Canada. Phản ứng này của Thủ tướng Trudeau là có thể hiểu được bởi mặc dù cứu vãn được NAFTA vào phút chót, Canada vẫn phải chấp nhận nhượng bộ Mỹ trong một số lĩnh vực như thị trường sữa, ô tô, để bảo vệ các ngành công nghiệp của mình khỏi thuế chống bán phá giá, một quyết định đang khiến không ít doanh nghiệp Canada cảm thấy tức giận.
Hài lòng hơn cả có lẽ chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trên twitter cá nhân của mình, ông đã chào mừng việc Mỹ, Canada và Mexico đạt được sự nhất trí về nội dung hiệp định NAFTA sửa đổi sau hơn 1 năm đàm phán, đồng thời gọi đây là một "một thỏa thuận lớn" với cả 3 nước.
Thành công trong việc buộc Canada và Mexico phải chấp nhận các điều khoản thương mại chặt chẽ hơn được cho là sẽ giúp lấy lại uy tín cũng như lòng tin của cử tri đối với Tổng thống Mỹ cũng như Đảng Cộng hòa trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Giới chức cũng như các doanh nghiệp Mỹ ca ngợi đây là một trong những thỏa thuận thương mại có khả năng thực thi cao nhất mà Mỹ từng ký kết, có thể làm thay đổi cuộc sống của người dân và làm cho nền kinh tế Mỹ vững mạnh hơn.
Theo kế hoạch, lãnh đạo 3 nước Bắc Mỹ này sẽ ký thỏa thuận này vào cuối tháng 11/2018 trước khi đệ trình lên Quốc hội. Tuy nhiên, báo Politico cho rằng thỏa thuận mới sẽ còn phải trải qua hàng loạt rào cản pháp lý trước khi chính thức được trình Quốc hội Mỹ bỏ phiếu xem xét, quy trình khó có thể diễn ra trước khi Quốc hội mới đi vào hoạt động trong năm 2019.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!