Nửa đầu năm 2020, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng đến 50% so với cùng kỳ 2019. Trong bối cảnh dịch bệnh, trái phiếu vẫn đang là chiếc "cần câu" vốn hữu ích cho nhiều doanh nghiệp.
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến tháng 6/2020, được nhìn nhận là tín hiệu mừng về sự phát triển của 1 kênh huy động vốn trung và dài hạn, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên sự phát triển quá "nóng" cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vàsự ra đời của Nghị định 81/2020 mới đây được đánh giá sẽ giúp thị trường phát triển có tổ chức hơn.
Nghị định 81 có khoảng 10 sửa đổi nhưng tác động lớn nhất đến thị trường sẽ là 2 quy định sau: Thứ nhất, doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ phải đảm bảo dư nợ phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất. Trước đây, khi không có giới hạn, thị trường không ít lần "hốt hoảng" với những doanh nghiệp có dư nợ phát hành gấp 10 lần, 50 lần thậm chí tới cả 100 lần vốn chủ sở hữu.
Sự ra đời của Nghị định 81/2020 mới đây được đánh giá sẽ giúp thị trường phát triển có tổ chức hơn.
Một điểm nữa được đánh giá sẽ có tác động rất lớn tới quy mô phát hành trái phiếu riêng lẻ trong trong thời gian tới đó là đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 06 tháng. Trước đây không có quy định này, các doanh nghiệp sẽ "lách luật" xé nhỏ các đợt phát hành để tiếp cận được lượng nhà đầu tư lớn hơn, mỗi lần không quá 100 nhà đầu tư. Với việc giới hạn thời gian tối thiểu. Quy định kể trên cũng sẽ giới hạn đáng kể số lượng nhà đầu tư có thể mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Với quy định phát hành riêng lẻ bị siết chặt, các doanh nghiệp giờ cũng phải tính đến việc phát hành ra công chúng, tuy nhiên không thể nào bỏ hẳn việc phát hành riêng lẻ được vì không phải lúc nào doanh nghiệp cũng cần huy động vốn lớn qua phát hành ra công chúng.
Rõ ràng, đơn giản hóa, tinh gọn hóa thủ tục trong phát hành trái phiếu ra công chúng sẽ là 1 nút thắt cần tháo gỡ để thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn có thể phát triển sau Nghị định 81 bởi phát hành riêng lẻ bị siết chặt, thủ tục phát hành ra công chúng lại quá lằng nhằng, chi phí tốn kém thì doanh nghiệp không khác gì vào thế "tiến thoái lưỡng nan" trong huy động vốn qua trái phiếu.
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Siết chỗ này nhưng phải nới chỗ kia
Theo ước tính tác động của Nghị định 81 từ các thành viên thị trường, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nửa cuối năm có thể sẽ giảm tới 50% so với cùng kỳ. Sức nóng giảm bớt đồng nghĩa những lo ngại về rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng bớt căng thẳng. Tuy nhiên, siết chỗ này cũng cần nới chỗ kia để hỗ trợ thị trường bởi quy mô của trái phiếu Việt Nam hiện vẫn còn non trẻ, mới chỉ chiếm 12,8% GDP. Con số này vẫn còn quá khiêm tốn với mức bình quân gần 22% của ASEAN+3 (gồm Đông Nam Á cùng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Thiếu hành lang pháp lý thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dẫn tới việc nửa đầu năm 2019, Việt Nam có cả 100 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng không có doanh nghiệp nào phát hành được trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc Khối dịch vụ Xếp hạng tín nhiệm - FiinRating, FiinGroup, cho biết: "Các đơn vị nước ngoài khi đầu tư trái phiếu thì các nguồn thông tin về doanh nghiệp Việt khá thiếu, dùng nguồn lực tự có để đánh giá nên nguồn thông tin hạn chế. Các đơn vị này luôn hi vọng có đơn vị hỗ trợ họ thông tin chính xác".
Nhìn nhận mảnh ghép định hạng tín nhiệm vẫn còn thiếu để nhà đầu tư có thêm công cụ đánh giá, tin tưởng vào trái phiếu doanh nghiệp, mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có những thay đổi trong Dự thảo Nghị định cho Luật chứng khoán sửa đổi sẽ có hiệu lực từ đầu năm sau.
Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết: "Chúng tôi cũng đưa vào yêu cầu có định mức tín nhiệm với phát hành trái phiếu nhưng chỉ đưa vào với các đợt có quy mô phát hành trong vòng 12 tháng lớn hơn là 100% vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành hoặc cái dư nợ của công ty phát hành khi đăng ký phát hành lớn hơn 200% tổng vốn chủ sở hữu".
Từ năm 2021 với Luật chứng khoán 2019 sửa đổi có hiệu lực, nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp cũng không còn được phép tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trong khi đấy nhà đầu tư cá nhân hiện đang đóng góp tới 23% sức mua trái phiếu doanh nghiệp. Các thành viên thị trường đều đánh giá Nghị định 81 cũng như các quy phạm pháp luật sắp tới là những bước đi cần thiết đảm bảo 1 thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Tuy nhiên không có những quy định hỗ trợ kịp thời, rủi ro thị trường trái phiếu vẫn còn non trẻ gặp cảnh "sớm nở chớm tàn" có nên là điều cần lo ngại?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!