Trong dự án phát triển chuỗi giá trị lúa gạo cho các hộ sản xuất nhỏ định hướng thị trường do Bộ NN&PTNT triển khai với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Đức, 10.000 nông dân sẽ được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa thông minh, 80% trong số này thực hiện đạt tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững, tăng lợi nhuận từ sản xuất lúa thêm 20%. Đặc biệt, đến năm 2021, xuất khẩu lúa chất lượng và bền vững qua nhà phân phối lúa gạo Olam đạt 150.000 tấn. Đây là mục tiêu của dự án quốc tế Đức hỗ trợ Việt Nam được triển khai tới năm 2021.
Dự án lần này sẽ triển khai sâu và toàn diện hơn các nội dung trọng tâm như: tập huấn cán bộ kỹ thuật, thành lập hệ thống quản lý nội bộ các hợp tác xã, tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác lúa thông minh, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trước mắt, trong năm 2018, 8 tổ hợp tác và hợp tác xã mạnh tại 4 tỉnh thành An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cần Thơ tham gia dự án đã được xác định.
Xuất khẩu lúa gạo Việt Nam luôn ở top đầu thế giới về số lượng. Tuy nhiên, lúa gạo chủ yếu cạnh tranh ở thị trường chất lượng thấp, giá chưa ổn định. Việc đẩy mạnh mô hình liên kết đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với tiêu thụ lúa gạo sẽ tích cực ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho hơn 9,3 triệu hộ nông dân Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!