Phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 28/04/2022 20:44 GMT+7

VTV.vn - Cùng với cổ phiếu và dịch vụ ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp là 1 trong 3 kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế.

Với thế mạnh là một kênh đầu tư an toàn, ít rủi ro, có lãi suất hấp dẫn nên trái phiếu doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có sự tăng trưởng cả về số lượng doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.

Hiện trái phiếu chiếm gần 23% tổng lượng vốn đầu tư toàn xã hội mỗi năm. Nếu năm 2017, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 4,9% GDP, thì đến năm 2021, con số này đã tăng lên khoảng 15% GDP.

Phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Trái phiếu doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)

Theo Bộ Tài chính, trong quý 1 vừa qua, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng ở mức 105,5 nghìn tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng theo đúng chủ trương của nhà nước và phát triển cân bằng giữa thị trường vốn, thị trường tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh đã phát sinh các rủi ro tiềm ẩn, một số hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian gần đây có vi phạm và một số sai phạm nghiêm trọng mang tính chất lừa đảo đã được cơ quan có thẩm quyền khởi tố.

Giải pháp phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Từ tháng 9/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ có 4 công điện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc xử lý nghiêm một số tổ chức phát hành trái phiếu không tuân thủ các yêu cầu của pháp luật. Điển hình như vụ việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua cho thấy các cơ quan chức năng đang quyết tâm lập lại trật tự trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Chị Hoa (nhà đầu tư) đã mua trên 3 tỷ trái phiếu doanh nghiệp và sắp đến hạn được thanh khoản. Chị Hoa cho biết, vụ Tân Hoàng Minh khiến chị và không ít nhà đầu tư lúc đầu có hoang mang, nhưng chị vẫn tiếp tục tái đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

"Đây thực ra chỉ là sự thanh lọc của Chính phủ để làm trong sạch và bền vững hơn cho thị trường Trái phiếu. Tôi cho rằng, với những trái phiếu lãi suất cao hơn lãi suất của ngân hàng và chúng ta lại tìm ra những doanh nghiệp an toàn, vậy tại sao chúng ta lại không đầu tư vào trái phiếu", chị Vũ Minh Hoa, nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, chia sẻ.

Chính phủ đã thể hiện rất rõ quan điểm xử lý nghiêm và quyết liệt những hành vi sai trái và bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân.

Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát lại cơ chế, chính sách để đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, sửa Nghị định 153 và Nghị định 155 để nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp góp phần lành mạnh, minh bạch hóa thị trường.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đang khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ.

"Chúng tôi sẽ giám sát mục đích phát hành, phạm vị và điều kiện phát hành, như thua lỗ, nợ xấu, không đảm bảo về an toàn tài chính cũng không được phát hành. Khi phát hành phải đăng ký với cơ quan nhà nước. Khi sử dụng và hoàn tất vốn cũng phải đăng ký để đảm bảo việc huy động vốn tập trung vào phát triển dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định doanh nghiệp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng; đồng thời gắn trách nhiệm của các công ty kiểm toán độc lập trong việc kiểm toán báo cáo tài chính của các doanh nghiệp phát hành và sẽ thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp kiểm toán không thực hiện đúng quy định của pháp luật

Những động thái quyết liệt của các cơ quan quản lý vừa qua là để đảm bảo thị trường phát triển bền vững mà không hình sự hóa các quan hệ dân sự và kinh tế.

Nỗ lực làm sạch thị trường

Hàng loạt những cụm từ "thanh lọc", "quyết liệt" và "lưới tham nhũng" đã được nhiều hãng truyền thông, báo chí nước ngoài sử dụng để nói về nỗ lực làm sạch thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán và trái phiếu nói riêng của Việt Nam trong tuần qua.

Điều đó cho thấy quyết tâm của Đảng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc xử lý những sai phạm của doanh nghiệp có thể gây bất bình trong xã hội, cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong thực thi chính sách này, là yếu tố tiên quyết nhằm cải thiện hình ảnh Việt Nam cũng như tiếp tục thu hút các các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nước ngoài.

Báo Nikkei Asia nhận định: "Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một cuộc họp Chính phủ gần đây đã kêu gọi những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm chống lại tiêu cực và tham nhũng trong lĩnh vực bất động sản, trái phiếu và thị trường chứng khoán, quyết tâm của chính phủ Việt Nam đã được khẳng định trong lĩnh vực này".

Trước đó, trang Reuters, Nikkei Asia Bloomberg có bài "Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam bị xử lý trong nỗ lực chống tham nhũng".

"Những quyết tâm xử phạt của Chính phủ với các chủ doanh nghiệp sai phạm đã làm tăng niềm tin của cộng đồng quốc tế rất nhiều. Đây là hành động cần thiết để làm minh bạch thị trường Việt Nam, từ đó là cơ sở để MSCI đánh giá và nâng hạng thị trường Việt Nam từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi trong thời gian tới. Tôi phải nói là về dài hạn đây là các hành động rất tích cực", ông Tsuyoshi Imai, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Nhật Bản, đánh giá.

Trang Bloomberg Finance Magnates tuần qua cùng nhận định Việt Nam đang tăng cường giám sát các thị trường tài chính để ghi dấu ấn như một điểm đến triển vọng cho các nhà đầu tư quốc tế.

"Việt Nam đang bắt kịp các quốc gia trong khu vực về quy mô thị trường. Đây là bằng chứng rõ ràng về những nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường thuận lợi cho thị trường, bao gồm thông qua các định hướng chính sách, các quy định và rất nhiều diễn đàn để nâng cao nhận thức và phát triển thị trường", ông Zafer Mustafaoglu, Giám đốc khối, Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, nhận định.

Những phân tích khách quan và đánh giá tích cực của báo chí và các tổ chức quốc tế trong tuần vừa qua về nỗ lực làm sạch thị trường của Việt Nam cho thấy lòng tin của các nhà đầu nước ngoài không suy giảm, thậm chí được đón nhận tích cực và niềm tin tăng lên.

Vai trò của trái phiếu trong phát triển doanh nghiệp

Có thể thấy so với các nước trong khu vực, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Malaysia là 56% GDP, Singapore 36,5% GDP, Thái Lan 25% GDP..., rõ ràng dư địa cho phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn lớn khi mới chỉ chiếm khoảng 15% GDP. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là 20% GDP trong 2025.

Phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 2.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: VN Media)

Cách đây 26 năm, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh Ree lần đầu tiên huy động trái phiếu chuyển đổi, dù lúc đó chưa có luật quy định cụ thể. Bộ Tài chính đã chấp thuận đây như một trường hợp thí điểm. Nhờ đó, doanh nghiệp đã kêu gọi thành công được 5 triệu USD, với lãi suất 4%/năm. Tới nay, doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng và huy động thêm được hàng nghìn tỷ đồng từ thị trường vốn.

3 kênh dẫn vốn chính của doanh nghiệp vẫn được ví như kiềng 3 chân là: tín dụng ngân hàng, cổ phiếu và trái phiếu. Dù có mức tăng trưởng ấn tượng hơn 30%/năm, nhưng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới chiếm khoảng 15% GDP, tức chưa bằng 1/10 quy mô vốn tín dụng ngân hàng.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao việc cơ quan quản lý đã xem xét đến vấn đề định mức tín nhiệm bắt buộc với một số trường hợp phát hành trái phiếu, thay vì chỉ siết điều kiện phát hành. Điều này giúp thị trường có thêm kỳ vọng vào một tấm gương soi chiếu sức khỏe của doanh nghiệp phát hành, tránh tình trạng "vàng thau lẫn lộn".

"Nên ưu tiên tạo điều kiện phát hành trái phiếu cho những công ty có bảng cân đối kế toán tốt, nhưng vì Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển thị trường này nên vẫn cần để mắt tới cả các công ty tốt trong dài hạn. Nguồn vốn huy động giúp các công ty đối mặt với khó khăn phục hồi sau đại dịch, cũng là cơ hội đầu tư mở ra cho các tổ chức", ông Hasira De Silva, Giám đốc cấp cao Khối công nghiệp và người tiêu dùng Nam và Đông Nam Á, Fitch Ratings, nhận định.

Theo tổ chức phân tích tài chính Fiingroup, quy mô phát hành trái phiếu trong năm nay sẽ giảm dần. Tuy nhiên đây là những thanh lọc tích cực, giảm về lượng nhưng đang thay đổi về chất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng Thế giới mới đây đã nhận định thị trường Việt Nam còn tương đối non trẻ. Vì vậy quan trọng là cách thức, kinh nghiệm chúng ta rút ra từ quá trình phát triển, chứ không nên phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn.

Ngân hàng Thế giới đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành công trong phát triển các thị trường vốn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh thực sự là nguồn tài chính dài hạn quan trọng cho đầu tư và hỗ trợ triển vọng tăng trưởng của đất nước.

Cần thiết đánh giá hạn mức tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu Cần thiết đánh giá hạn mức tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu

VTV.vn - Hạn mức tín nhiệm sẽ cho phép nhà đầu tư có cái nhìn đủ khách quan để đánh giá những rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước